Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:32 (GMT +7)
Từ việc ông Trần Văn Truyền: Xử lý một người, cảnh báo nhiều người
Thứ 2, 24/11/2014 | 16:03:23 [GMT +7] A A
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra đã hóa giải được hoài nghi trước đây của người dân, họ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, PV phỏng vấn bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với các sai phạm của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Khá |
PV: Chuyện thu hồi nhà công vụ cấp không đúng cho ông Trần Văn Truyền có phải là cơ hội để chúng ta thu hồi nhà công vụ đang bị sử dụng sai hay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Khá: Quan điểm của tôi là ai cũng phải bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt bất cứ ai, vướng chỗ nào thì phải giải quyết ngay chỗ đấy. Còn chuyện riêng của mỗi người cũng phải căn cứ vào pháp luật mà giải quyết. Tác động cho xã hội thì tôi đã nói rồi, pháp luật là xử lý một người để giáo dục cho nhiều người. Cái đó là cái quan trọng của pháp luật. Ví dụ, có những loại tội phạm cần xử lý công khai và để người ta thấy tính răn đe của pháp luật, tính giáo dục của pháp luật. Xử lý một người để giáo dục nhiều người và trường hợp này không phải là ngoại lệ.
PV: Cái vướng hiện nay là nhiều người đang sử dụng nhà công vụ cứ ỳ ra chứ họ cũng không vi phạm gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Khá: Trường hợp đó là người ta thấy dễ thì người dễ ta thôi. Nếu pháp luật siết chặt thì chắc chắn người ta phải thực hiện nghiêm. Tôi nghĩ pháp luật cần phải làm nghiêm minh, ví dụ như chế độ, quyền lợi và trách nhiệm phải rõ ràng. Quyền lợi người đó trong khi còn chức vụ được hưởng chế độ thì phải thực hiện nghiêm, hết chế độ thì phải được thu hồi.
PV: Theo giám sát của bà, thời gian qua việc thu hồi nhà công vụ đã được thực hiện ráo riết chưa?
Bà Nguyễn Thị Khá: Vấn đề này nói chung là làm chưa nghiêm. Nếu chúng ta chưa siết thì người ta chưa chấp hành. Còn nếu siết thì tôi nghĩ mọi người sẽ chấp hành thôi. Luật thì rõ rồi nhưng trong quá trình thực thi pháp luật ở đâu đó chưa chặt chẽ, chưa sát thực tế và chúng ta chưa làm nghiêm minh.
PV: Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trường hợp của ông Trần Văn Truyền, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, bà thấy thỏa đáng chưa, đã khôi phục được niềm tin của cử tri hay chưa?
Bà Nguyễn Thị Khá: Kết luận của Ủy ban Kiểm tra đã hóa giải được hoài nghi trước đây của người dân, thì nay người ta đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cái đó rõ ràng rồi. Còn vấn đề sai phạm, ngoài trách nhiệm của Đảng ra, nếu có vấn đề gì liên quan đến pháp luật tôi cũng mong muốn xử lý đích đáng để mọi người dân lấy lại lòng tin, người ta nghi ngờ một người thì người ta sẽ nghi ngờ nhiều người thì không hay lắm. Người nào vi phạm thì phải làm rõ sai phạm của người đó và chúng ta cũng nên đúng người đúng tội, không nên ép người ta để thành oan sai.
PV: Nhưng theo giám sát của bà thì ở đây có chuyện nể nang không?
Bà Nguyễn Thị Khá: Tôi cũng chưa biết có chuyện nể nang không. Nhưng pháp luật thì cũng phải có kết luận cuối cùng thì mới biết được, chứ không phải cái gì mình cũng nghi ngờ hết thì cũng không hay lắm.
PV: Theo bà, khi có kết luận đó rồi nhưng nhiều cử tri vẫn nghi ngờ mình “giơ cao đánh khẽ” thì giải thích như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Khá: Xã hội thì chín người mười ý. Người dân có quyền nghi ngờ, còn nghi ngờ đúng hay sai đó là do pháp luật xét xử. Chỉ có pháp luật mới biết nghi ngờ đúng hay sai. Còn người dân có quyền nghi ngờ. Mỗi người có cơ sở riêng để nghi ngờ. Cái gì cũng vậy, muốn trả lời cho xã hội thì phải công lý mới trả lời được, chứ không phải nghi ngờ rồi cứ kết tội là không được vì mỗi người chỉ có tội sau khi có kết luận phạm tội.
PV: Theo giám sát của bà thì hiện còn nhiều trường hợp giống như ông Trần Văn Truyền là có nhà rồi mà vẫn xin nhà khác hoặc không đủ điều kiện vẫn xin nhà không?
Bà Nguyễn Thị Khá: Vấn đề đó tôi cũng không có đủ cơ sở để nói. Nhưng tôi mong muốn pháp luật phải làm rõ, còn nghi ngờ của người dân có thể so sánh người này với người khác. Sự so sánh đó cũng chưa có cơ sở, nhưng cũng không phải là tuyệt đối không còn. Nếu muốn làm rõ để tạo lòng tin cho người dân thì pháp luật phải làm cho rõ ra.
PV: Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của các cơ quan giám sát khi mà vụ việc của ông Truyền lại do báo chí đưa ra?
Bà Nguyễn Thị Khá: Mỗi lĩnh vực công tác của mỗi cán bộ có một cấp quản lý. Trách nhiệm đó thì thuộc về ai thì người lãnh đạo cấp đó có trách nhiệm thôi. Tôi mong muốn cấp nào thì cấp đó phải làm cho rõ ràng, rành mạch, sáng tỏ, công khai minh bạch, đừng để tồn tại sự nghi ngờ của người dân mà nghi ngờ đó là mất lòng tin thì rất khó. Lãnh đạo một đất nước, một xã hội, một cấp, lãnh đạo mà để người dân nghi ngờ thì rất là khó.
PV: Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương bà có nghĩ rằng ông Truyền đã tham nhũng không?
Bà Nguyễn Thị Khá: Vấn đề này tôi cũng chưa nói được là có tham nhũng hay không nhưng mà Ủy ban Kiểm tra kết luận chưa tự giác, chưa trung thực. Còn vấn đề có tham nhũng hay không thì phải do pháp luật kết luận.
PV: Qua câu chuyện này, bà bình luận thế nào về tư cách của một tổng thanh tra Chính phủ?
Bà Nguyễn Thị Khá: Chúng ta không thể dựa vào đâu đó để đánh giá về tư cách của một con người được. Phải đánh giá một cách tổng thể quá trình, trách nhiệm, quyền hạn, vấn đề quản lý nữa. Có khi sai sót đó không chỉ mình đổ thừa cho bản thân người đó là đủ mà còn có cơ quan quản lý, tổ chức Đảng ở đó.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()