Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 10:22 (GMT +7)
Từ vùng đất ven biển thành "vựa rau" lớn nhất tỉnh
Chủ nhật, 17/11/2024 | 07:59:59 [GMT +7] A A
Từng là vùng đất ven biển hoang vu, đầy sú vẹt, Tiền An (TX Quảng Yên) đã được bao thế hệ quan tâm cải tạo, phát triển và xây dựng thành vùng đất trù phú, là một trong các "vựa rau" lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Cách trung tâm TX Quảng Yên 4km về phía Đông, Tiền An có dáng dấp của một xã trung du ven biển. Ít ai biết rằng, đây là mảnh đất có lịch sử lâu đời, có người sinh sống cách đây hơn 1.000 năm. Thời phong kiến, Tiền An chỉ gồm 3 thôn, sau hợp lại hình thành địa danh làng La Khê rồi tiếp tục đổi thành xã La Khê thời vua Minh Mạng (1831). Năm 1963, tỉnh Quảng Ninh ra đời, khi đó, Tiền An thuộc huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh).
Từ năm 1948, địa danh Tiền An đã được định danh rõ ràng, tuy có sự thay đổi về địa giới hành chính qua các giai đoạn gắn với quá trình khai hoang lấn biển của TX Quảng Yên. Tháng 12/1995, Chính phủ có Nghị định chia Tiền An rộng lớn thành: Tân An và Tiền An. Trong đó, Tiền An có 16 thôn. Đến tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết phê chuẩn thành lập TX Quảng Yên, Tiền An là một trong 19 xã, phường của TX Quảng Yên.
Tiền An xưa vốn là vùng bãi đầm, sú vẹt hoang vu nên những người tiên phong phải vất vả khai hoang, mở đất, đắp đập ngăn mặn trở thành vùng đất phì nhiêu, giàu đẹp. Vì thế, con người ở đây cũng cần cù, chịu khó, kiên cường và rất giàu tình yêu quê hương, đất nước. Họ tham gia tích cực vào các cuộc khởi nghĩa; kháng chiến chống Pháp (1946-1954); góp sức người, sức của trong kháng chiến chống Mỹ cũng như Chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc… Với cống hiến đó, Tiền An được tặng thưởng Huân chương Kháng Chiến hạng Ba (năm 1959), Bằng khen của Chính phủ (1977) cùng nhiều danh hiệu khác.
"Tiếp nối truyền thống, chúng tôi luôn quan tâm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh cùng những phẩm chất đáng quý của vùng đất, con người Tiền An. Từ đó định hướng xây dựng, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, diện mạo vùng quê, đưa Tiền An ngày càng phát triển năng động, đi lên" - ông Tô Duy Tòng, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ.
Với định hướng đó, Tiền An nỗ lực vươn lên, tập trung phát triển KT-XH, xây dựng NTM nhằm đổi mới diện mạo, nâng cao thu nhập người dân. Để thực hiện mục tiêu này, xã đã làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp...
Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm của xã đạt trên 686 tỷ đồng; 9 tháng năm nay đạt gần 592 tỷ đồng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của xã đạt trên 19%. Cho tới nay, trên địa bàn xã có 8 doanh nghiệp và 1 HTX, trên 668 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ...
Đồng thời, Tiền An cũng biết lấy lợi thế về đất đai, diện tích canh tác làm thế mạnh phát triển sản xuất, thay đổi diện mạo nông thôn. Là vùng chuyên canh sản xuất rau lớn, đến nay, Tiền An có tổng diện tích trồng rau màu trên 1.000ha. Trong đó, có trên 170ha trồng rau an toàn.
Ngoài tích cực đầu tư các công trình như: Kênh, mương, điện, đường..., xã đặc biệt quan tâm tới chuyển đổi các mô hình canh tác, trồng rau an toàn, canh tác theo quy trình VietGAP, đổi mới cây con giống mới, có giá trị kinh tế cao; thực hiện tốt mô hình liên kết sản phẩm gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, như: Nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống bón phân tự động...
Cho tới nay, xã là một trong số các vựa rau lớn nhất tỉnh và lớn nhất TX Quảng Yên. Xã có nhiều mô hình nhà màng trồng rau thủy canh, rau an toàn đạt chất lượng cao; đặc biệt nhiều mô hình trồng na bở, na Đài Loan ở các thôn vườn Chay, Giếng Đá... hứa hẹn cho thu nhập cao.
Không chỉ vậy, quá trình xây dựng NTM, Tiền An còn đầu tư nhiều về hạ tầng giao thông, bê tông hóa 100% đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, chính quyền điện tử; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giáo dục, y tế; quan tâm các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách, người có công...
Diện mạo xã NTM Tiền An giờ đây ngày càng đổi thay, khang trang, trù phú. Hiện Tiền An đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị hóa để xây dựng xã thành phường trước năm 2025; tiếp tục phấn đấu nâng cao thu nhập người dân hơn nữa.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()