Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:44 (GMT +7)
Nỗ lực tái sinh vườn na bở ở xã Tiền An, TX Quảng Yên
Thứ 2, 07/10/2024 | 11:30:49 [GMT +7] A A
Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn TX Quảng Yên, trong đó có các hộ dân trồng na ở xã Tiền An. Trên 100 ha cây na bở ở xã bị thiệt hại từ 70% đến 80%. Để khắc phục hậu quả sau bão, những ngày này, nhiều hộ dân ở xã Tiền An đang tập trung cải tạo, dọn vệ sinh vườn trồng và từng bước tái sinh vườn na.
Hơn 16 năm gắn bó với vườn na, nhìn những cây na mà gia đình mình đã dày công chăm sóc, vun trồng bị thiệt hại, bật gốc, gãy đổ do bão, anh Phạm Hồng Ngư, ở thôn Vườn Chay, xã Tiền An, không khỏi xót xa. Nhiều cây đang cho quả và chỉ còn khoảng 2 tháng nữa gia đình anh sẽ được thu hoạch na chiêm, na trái vụ, mà giờ quả rụng hết, những quả còn lại trên cây cũng bị chết khô.
Chủ động khôi phục với hy vọng cây na sẽ sinh trưởng, phát triển trở lại, những ngày qua, anh Ngư đã thực hiện vun gốc, trồng và chống các cây bị gãy đổ. Với những nỗ lực của anh, những mầm cây non đang đâm chồi, nảy lộc trở lại. Tuy nhiên, anh Ngư cũng xác định rõ rằng năng suất, sản lượng quả trong vài vụ tới sẽ bị ảnh hưởng, nên phải tính tới giải pháp lâu dài để tái sinh vườn na.
Anh Phạm Hồng Ngư chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 6.000 m2 đất vườn trồng na bở, với hơn 1.300 cây đã trưởng thành cho thu hoạch quả. Nhưng cơn bão số 3 đi qua gây ảnh hưởng nặng, giờ chỉ còn khoảng 20% - 30% cây na có thể khôi phục. Khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ cố gắng không từ bỏ cây na, mà sẽ gieo hạt, làm vệ sinh vườn chuẩn bị trồng cây na mới thay thế cho những cây bị chết do bão”.
Không riêng gia đình anh Phạm Hồng Ngư mà tất cả các hộ trồng na ở xã Tiền An đều bị thiệt hại do cơn bão số 3. Mỗi hộ gia đình có mức độ thiệt hại khác nhau, song các gia đình đều không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà có chung quyết tâm chủ động chăm sóc, tái sinh diện tích trồng na; tập trung huy động nhân lực để chằng chống, vun gốc và chăm sóc cây con, đồng thời chuẩn bị cho việc nhân giống, trồng lại những cây bị chết không có khả năng phục hồi.
Gia đình ông Vũ Văn Đạt, ở khu phố Vườn Chay là một trong số ít các hộ trồng na ở xã Tiền An mới nhân giống ươm thêm cây na con được hơn 2 tháng qua. Ông cũng may mắn bởi diện tích na mới trồng ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Ông Đạt cho biết thêm: “Gia đình tôi có trên 5.000 m2 trồng na, trong đó 30% diện tích trồng cây na con có khả năng hồi phục, vì cây na này thấp, không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão gió, bộ rễ cây vẫn ổn định. Tôi đang tăng cường bón phân hữu cơ cho các cây này sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Tuy nhiên đối với những cây na to đã cho thu hoạch từ 7 năm đến trên 10 năm nay hầu như không thể hồi phục được. Gia đình tôi sẽ chặt bỏ hết toàn bộ cây bị hỏng, bật gốc; đồng thời chuẩn bị vườn ươm, gieo hạt, nhân giống để trồng thay thế cây mới. Dù vậy chúng tôi xác định sẽ mất rất nhiều công chăm sóc và thời gian để cây na cho quả, phải mất khoảng 5 năm sau khi trồng cây con”.
Trao đổi về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tiếp tục phát triển cây na bở trên địa bàn xã, chị Bùi Thị Huyền, Chủ tịch Hội nông dân xã Tiền An cho biết: “Xã Tiền An có hơn 200 hộ trồng na, với diện tích gần 100 ha. Qua rà soát, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại hơn 80% diện tích trồng na của các hộ dân ở xã. Người dân đang cố gắng khắc phục, hồi sinh các cây na. Tuy nhiên cây na rất khó phục hồi, bởi rễ cây đã khô, giòn, nhiều cây lá vàng. Chỉ những hộ có cây na con mới trồng từ đầu năm 2024 mới có thể hồi sinh được lại. Đối với hộ gia đình đã bị hỏng tới 80% diện tích cây na, Hội nông dân xã đã đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân được vay vốn từ nguồn “Quỹ hỗ trợ nông dân” để trồng lại vườn na của gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, chúng tôi mong muốn các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho các hộ nông dân khi vay vốn làm vườn hoặc giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ kết nối với Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật TX tập huấn chuyển giao kỹ thuật cải tạo, chăm sóc cây na cho nông dân xã”.
Na bở Tiền An là giống cây trồng bản địa, đã được nhiều thế hệ người dân ở xã Tiền An lưu giữ, nhân rộng phát triển bằng phương pháp thủ công. Dựa trên kinh nghiệm trồng na lâu năm, chủ động về cây giống, đặc biệt khi những năm gần đây các hộ trồng na còn nắm được kĩ thuật chăm sóc cây na theo từng giai đoạn sinh trưởng; ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ để tăng cường dinh dưỡng cho đất, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, thì quả na bở Tiền An đã có hướng phát triển bền vững hơn. Những người nông dân ở xã Tiền An, TX Quảng Yên, đang đặt quyết tâm khắc phục hậu quả bão số 3; tái tạo, đưa cây na bở truyền thống của địa phương trở lại phủ xanh những diện tích bị thiệt hại.
Phạm Tuyết (Trung tâm TT&VH TX Quảng Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()