Tất cả chuyên mục

Nếu như trước đây, chỉ những ngày lễ hội hay khi có hoạt động văn hóa, văn nghệ... bà con dân tộc mới mặc quần áo dân tộc mình, thì nay cứ vào tuần đầu tiên hàng tháng, Bình Liêu đều rực rỡ màu sắc trang phục dân tộc.
Việc thực hiện “Tuần trang phục dân tộc” được huyện Bình Liêu phát động từ năm 2018. Thực hiện Nghị quyết 232/NQ-HĐND ngày 21/12/2018 của HĐND huyện và Quyết định số 3536/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND huyện, về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Bình Liêu triển khai “Tuần trang phục dân tộc” đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động nhân dân trong toàn huyện.
“Tuần trang phục dân tộc” được thực hiện vào tuần đầu tiên hàng tháng và bắt đầu từ tuần đầu tiên của tháng 5, việc thực hiện mặc trang phục dân tộc, sẽ thực hiện 2 ngày/tuần của các tuần tiếp theo.
UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các cơ quan tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn mặc trang phục dân tộc mình để đi lao động sản xuất, hoạt động văn hóa, thể thao, hay khi tham gia các hội nghị, nghi lễ truyền thống, đám cưới, đám tang, chợ phiên. Khuyến khích người dân mặc trang phục hàng ngày nhằm tạo ấn tượng với bạn bè, du khách khi đến thăm Bình Liêu.
Tôi có mặt tại huyện Bình Liêu vào ngày đầu tiên toàn huyện thực hiện “Tuần trang phục dân tộc”, cũng đúng vào thời điểm các trường đón học sinh trở lại sau kỳ nghỉ dài phòng tránh dịch Covid-19. Các em học sinh người dân tộc các trường đều xúng xính trong trang phục dân tộc.
Em Lục Phương Thanh, học sinh lớp 6A, Trường THCS Húc Động, bày tỏ: Em rất thích mặc trang phục dân tộc, vì những ngày này em thấy các bạn em, nhất là các bạn gái thể hiện nhiều sắc màu. Trước đây, chỉ ngày hội mọi người mới mặc quần áo dân tộc mình.
![]() |
Học sinh người dân tộc thiểu số Trường THPT Húc Động mặc trang phục dân tộc mình trong tuần đầu tiên của tháng 5. |
"Tuần trang phục dân tộc" cũng tạo nhiều cảm xúc với công chức, viên chức. Chị Chu Thị Long, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, cho biết: Phụ nữ chúng tôi cũng thấy thích khi mặc bộ trang phục của mình khi làm việc. Tôi là người Tày, tôi thấy trang phục dân tộc mình cũng rất gọn nhẹ, tiện lợi khi làm việc, lại giữ được bản sắc dân tộc mình.
Trang phục dân tộc từ lâu đã làm mê mẩn nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh khi đến Bình Liêu. Mỗi khi huyện tổ chức lễ hội là các nhiếp ảnh gia lại từ khắp các nơi kéo đến Bình Liêu, với lý do vào những ngay này, bà con mới chịu mặc trang phục dân tộc.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khắc Đạm (Cẩm Phả) có tác phẩm “Giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ Quảng Ninh” được lọt vào triển lãm Cuộc thi ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 8 với chủ đề “Tôi yêu Việt Nam” năm 2018. Cuộc thi có 970 tác giả của 7 quốc gia trên thế giới với 16.370 tác phẩm tham gia. Trao đổi với tôi, ông Khắc Đạm tâm sự: Cái hay, cái độc đáo của chị em đá bóng là họ mặc nguyên quần áo của dân tộc mình mà đá. Nếu họ mặc quần áo cầu thủ thông thường thì chắc tôi cũng chẳng phải cất công lên mãi Bình Liêu chụp ảnh làm gì.
![]() |
"Giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ" bức ảnh tạo sự thành công cho tác giả Khác Đạm khi chụp chị em mặc quần áo dân tộc đá bóng. |
Để tạo sự lan tỏa trong việc mặc trang phục truyền thống tới mọi người, theo anh Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, tới đây, huyện sẽ mở thường xuyên hơn các chương trình nghệ thuật, văn hóa thể thao, lễ hội trình diễn các trang phục dân tộc truyền thống. Đồng thời tổ chức trưng bày, triển lãm hiện vật, hình ảnh về trang phục truyền thống các dân tộc nhân dịp tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch và thiết kế quà du lịch từ trang phục truyền thống.
Cũng theo anh Nhất, song song với việc tuyên truyền và bảo tồn, huyện Bình Liêu cũng sẽ tổ chức các lớp truyền dạy các kỹ năng, nghệ thuật tạo hoa văn, bí quyết về nghề dệt thủ công truyền thống; xây dựng mô hình trưng bày, giới thiệu bán sản phẩm trang phục truyền thống và phát triển mô hình cây nguyên liệu phục vụ nghề dệt truyền thống trên địa bàn.
Công Thành
Ý kiến ()