Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 23:32 (GMT +7)
Huyện Ba Chẽ tháo gỡ khó khăn trong trồng rừng gỗ lớn
Thứ 5, 05/05/2022 | 06:42:37 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030, huyện Ba Chẽ đã xây dựng Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, với mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Huyện tiếp tục vận động nhân dân, các doanh nghiệp chuyển đổi diện tích trồng rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn.
Hộ ông Nịnh Văn Trắng (thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh) hiện trồng 10ha rừng. Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, những năm gần đây gia đình ông đã tiên phong dần chuyển đổi diện tích trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn như thông, lim, sưa... là các loại cây có giá trị cao, phải hàng chục năm mới có thể cho thu hoạch.
Để giải quyết bài toán về nguồn thu nhập trước mắt, ông Trắng đã tìm hiểu và trồng xen canh các loại cây dược liệu bản địa, như trà hoa vàng, ba kích dưới tán của rừng cây gỗ lớn. Đến nay sau hơn 3 năm, rừng cây gỗ lớn và cây dược liệu dưới tán của gia đình ông đều phát triển tốt.
Ông Trắng chia sẻ: Dự tính năm nay, cây ba kích được trồng dưới tán rừng gỗ lớn của gia đình cho thu hoạch từ 6-7 tấn củ/ha, trừ chi phí và nhân công, có thể thu lãi khoảng 500 triệu đồng/ha. 2 năm tới đây, cây trà hoa vàng và nhựa thông cho thu hoạch, doanh thu tiếp tục gấp nhiều lần.
Nhận thấy giá trị của rừng gỗ lớn, hiện nhiều hộ dân của huyện đã bắt đầu chuyển một phần diện tích sang trồng các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với khí hậu, đất đai của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Đề án cũng gặp những khó khăn, nhất là bài toán về sinh kế trước mắt cho người dân khi chuyển đổi từ trồng cây rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn lâu năm.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn cho người dân, huyện đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa năm 2022. Khi người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha; vay vốn lãi suất thấp, không quá 20 triệu đồng/ha. Huyện phối hợp với các đơn vị cung cấp cây giống cho các hộ, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu tham gia trồng rừng gỗ lớn. Huyện đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập, 'lấy ngắn nuôi dài", yên tâm canh tác.
Cây keo tai tượng trước đây được coi là cây giảm nghèo ở các địa phương vùng miền núi của tỉnh, trong đó có huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên tình trạng người dân ồ ạt trồng cây keo cho thấy "lợi bất cập hại". Hậu quả là những trận lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lịch sử, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Những vạt đồi trồng cây keo sau 5-7 năm cho thu hoạch lại trơ đất sỏi, gặp mưa thì bị bào mòn xói lở, làm nghèo kiệt đất rừng, phá hủy hệ sinh thái. Chương trình trồng rừng gỗ lớn, thay thế trồng cây keo ngắn ngày là hướng đi bền vững, vừa làm giàu cho người dân, vừa bảo vệ đất, rừng, hệ sinh thái trên địa bàn.
Bước đầu, trồng rừng gỗ lớn đã nhận được sự vào cuộc từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tuy nhiên bên cạnh chính sách hỗ trợ về cây giống, vay vốn ưu đãi, địa phương cần có những những giải pháp đồng bộ hơn để tạo sự an tâm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia. Trong đó, huyện cần tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình trồng rừng xen canh với các loại cây dược liệu, cây bản địa dưới tán rừng gỗ lớn để tạo thu nhập cho người dân; khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư thâm canh rừng gỗ lớn; có chính sách bảo hiểm rủi ro về sản xuất trong trồng rừng gỗ lớn lâu năm. Chỉ khi những cơ chế chính sách đủ mạnh, đủ sức thu hút, mới tạo được tính lan tỏa mạnh mẽ trong trồng rừng gỗ lớn ở Ba Chẽ nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()