Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:21 (GMT +7)
Tiên Yên: Hiện thực hóa mục tiêu trồng rừng gỗ lớn
Thứ 3, 19/04/2022 | 10:35:03 [GMT +7] A A
Năm 2022, Tiên Yên đặt mục tiêu trồng 1.800ha rừng tập trung, trong đó có 451,6ha rừng gỗ lớn (lim, lát, giổi), mặc dù tỉnh giao chỉ có 446ha. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ cuối năm 2021, huyện đã ban hành kế hoạch, phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng địa phương, phòng ban và công ty lâm nghiệp trên địa bàn; đồng thời, rà soát, theo dõi sát sao tiến độ thực hiện.
Theo đó, với 293,6ha rừng trồng sản xuất, huyện phân bổ 83ha rừng trồng lại sau khai thác, chia đều cho các địa phương (mỗi xã, thị trấn 5ha do dân trồng, riêng xã Đông Ngũ 6,5ha); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên 31ha. Ngoài ra, trồng bổ sung mới 210,6ha tại các xã: Hà Lâu, Đông Ngũ, Điền Xá, Phong Dụ, Đại Dực, Đông Hải, Tiên Lãng. Trong đó, chủ yếu là rừng cộng đồng, diện tích lớn nhất là xã Phong Dụ với 54ha; chỉ riêng xã Tiên Lãng là rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân với 100ha.
Đối với 158ha rừng trồng phòng hộ, huyện cũng đặt ra chỉ tiêu rõ ràng. Theo đó, sẽ trồng mới 120ha sau khai thác cây keo trong rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, trồng 25,5ha bổ sung dưới tán rừng thông mã vĩ và 11ha diện tích sau khai thác đất rừng sản xuất chuyển sang rừng phòng hộ; 1,5ha đất trống quy hoạch phòng hộ (đều giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên).
Huyện cũng đặt ra chỉ tiêu trồng rừng cụ thể đối với từng loài cây. Trong đó, 201ha trồng lim xanh; 233,2ha trồng giổi và 17,4ha trồng lát hoa.
Bên cạnh rừng trồng tập trung, Tiên Yên cũng đặt chỉ tiêu trồng cây phân tán thuộc Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ben biển tỉnh Quảng Ninh (FMCR). Theo đó, sẽ trồng phủ trên địa bàn 5 xã ven biển (Đồng Rui, Hải Lạng, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải), mỗi xã 10.000 cây, với số lượng cụ thể: 6.000 cây lát hoa/xã; 3.000 cây giổi và 1.000 cây lim. Số cây trồng phân tán sẽ được trồng trên đất hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, đất chưa sử dụng, bãi thải.
Đối với trồng phân tán, kinh phí cây giống được hỗ trợ. Toàn bộ nhân công thực hiện trồng rừng sẽ do UBND các xã vận động các tổ chức chính trị, xã hội trong xã, trường học, hộ gia đình, cá nhân,... tham gia thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng và phân công trách nhiệm quản lý cụ thể.
Để hoàn thành được chỉ tiêu về trồng rừng gỗ lớn trong năm 2022, công tác tuyên truyền, vận động được Tiên Yên đặt lên hàng đầu. Theo đó, bên cạnh việc đăng phát các bản tin truyền thanh cấp xã, cấp huyện nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác phát triển lâm nghiệp ở địa phương và phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ về trồng rừng gỗ lớn đến các chủ rừng trên địa bàn; UBND các xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh kế, hộ gia đình, cá nhân, cán bộ, đảng viên đăng ký trồng rừng các loài lim, giổi, lát đảm bảo hoàn thành và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao (451,6ha so với 446ha tỉnh giao). Đồng thời, thực hiện nêu gương cán bộ đảng viên tiên phong triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn.
Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo rà soát diện tích đất rừng sản xuất chưa giao, chưa cho thuê hiện do UBND xã quản lý có khả năng trồng rừng để dần chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tính đến hết quý I/2022, theo kế hoạch tỉnh giao 446ha, huyện mới trồng được 37,9ha, đạt tỷ lệ 8%. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên trồng được 14,2ha; xã Đông Ngũ 16ha; xã Yên Than 7,7ha.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn còn thấp so với chu kỳ trồng rừng (15 triệu đồng/ha). Trong khi đó, các loài cây này có chu kỳ kinh doanh quá dài (phải đến 60-70 năm đối với lim), nhưng chưa có đánh giá chính xác về hiệu quả kinh tế nên người dân và các chủ rừng còn chưa thực sự mặn mà tham gia.
Khánh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()