Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 15/12/2024 04:05 (GMT +7)
Tướng Nguyễn Bình ở Đệ tứ chiến khu
Chủ nhật, 21/08/2016 | 09:30:23 [GMT +7] A A
Trung tướng Nguyễn Bình được đánh giá là người chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, giữ kỷ luật nghiêm minh, lập nhiều chiến công có can đảm, vũ dũng hơn người và trung hậu. Ông nổi tiếng về tiến hành chiến tranh du kích, lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. Điều này cũng thể hiện rõ trong những năm tháng ông ở Chiến khu Đông Triều (Đệ tứ chiến khu).
Tướng Nguyễn Bình (đứng giữa, hàng sau) trong một lần gặp gỡ Bác Hồ. (Ảnh Tư liệu của Thị ủy Đông Triều) |
Theo cuốn “Đất chiến khu xưa” (Hội VHNT Đông Triều, năm 2000), Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 tại thôn An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1925, ông tham gia bãi khóa ở Hải Phòng để phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1926, ông tiếp tục tham gia lãnh đạo phong trào học sinh ở Hải Phòng để tang cụ Phan Châu Trinh. Sau đó ông lên tàu viễn dương đi Pháp và bị bắt ở Mác- xây. Thực dân Pháp đưa ông về nước kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở Côn Đảo ông được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cộng sản như: Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt v.v. nên đã chuyển dần từ lập trường Quốc dân Đảng sang lập trường tư tưởng Cộng sản. Chính vì thế sau này, Quốc dân Đảng đã coi ông là kẻ phản bội mới chọc mù một mắt của Nguyễn Bình. Sau khi làm lãnh đạo nghĩa quân ở Hải Phòng, Đông Triều, nhân dân vẫn gọi ông là “Độc nhãn tướng quân”.
Năm 1935, Nguyễn Bình ra tù và quay lại hoạt động cách mạng. Cho đến năm 1944, khi đồng chí Nguyễn Văn Tuệ (sư Tuệ) đi gặp Nguyễn Bình mời ông về Đông Triều lập chiến khu. Khi chiến khu được thành lập thì Nguyễn Bình thành tư lệnh của Chiến khu Đông Triều. Nguyễn Bình là người trực tiếp phụ trách công tác quân sự, binh vận và trang bị vũ khí cho nghĩa quân. Theo kế hoạch của Nguyễn Bình, một đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của Đông Triều đã được thành lập bao gồm những chiến sĩ tình nguyện sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương.
Theo “Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Triều” (NXB Chính trị quốc gia, năm 2011), cuối tháng 4-1945, Nguyễn Bình về chùa Bắc Mã, thống nhất thành lập lực lượng vũ trang thoát ly. Sau đó, ông về Hải Phòng vận động anh em binh lính ở các đồn địch về với cách mạng. Ông đã mang về được nhiều vũ khí đạn dược, cả khẩu đại liên, bản đồ đi biển. Cùng với đó, ông mua sắm súng trường, mìn, tiểu liên, lựu đạn mang về Chiến khu. Nguyễn Bình còn thống nhất lực lượng cách mạng ở Đông Triều, Thủy Nguyên, Chí Linh nhằm chiếm lĩnh một địa bàn rộng lớn. Giữa tháng 5-1945, lực lượng vũ trang tập trung đã được thành lập ở chùa Bắc Mã, bao gồm tự vệ các làng xã, những binh sĩ yêu nước bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tướng Nguyễn Bình. Lực lượng này lớn mạnh nhanh chóng, làm chỗ dựa vững chắc để lập kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 6-6-1945, Nguyễn Bình và lãnh đạo chiến khu đã bàn kế hoạch khởi nghĩa ấn định vào ngày 8-6. Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy đánh vào huyện lỵ Đông Triều. Khoảng 5 giờ sáng ngày 8-6, Nguyễn Bình phát lệnh xuất quân. Đi đến đâu đoàn quân Việt Minh cũng được nhân dân chào đón. Nguyễn Bình dẫn quân vào cướp kho súng của địch bao vây huyện đường, thu giữ tài liệu, giấy tờ, cướp thóc của Nhật. Các mũi tiến công vào Tràng Bạch, Mạo Khê và Chí Linh cũng giành được nhiều thắng lợi. Sau đó, Nguyễn Bình tổ chức mít tinh ngay tại huyện lỵ tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của Nhật, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh.
Chiều 8-6, Ủy ban Quân sự cách mạng được thành lập gồm nhiều đồng chí trong đó, người đứng đầu Ủy ban là Nguyễn Bình. Sáng hôm sau, Ban lãnh đạo đã tuyên bố thành lập chiến khu mang tên “Đệ tứ chiến khu” và thành lập lực lượng vũ trang chiến khu mang tên “Du kích cách mạng quân” và công bố danh sách Ủy ban Quân sự cách mạng. Việc xây dựng chiến khu đã giúp củng cố lực lượng, nhanh chóng phát triển lực lượng ra một địa bàn rộng lớn ở duyên hải phía Bắc, đập tan chính quyền tay sai thực dân làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Bình đã chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm trở lại toàn Nam Bộ, Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội được biên chế thống nhất thành các chi đội Vệ quốc đoàn. Ngày 20-1-1948, ông được phong quân hàm Trung tướng và cử làm tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Khi Bộ tư lệnh Nam Bộ được thành lập vào tháng 10-1948, ông làm Tư lệnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Tháng 9-1951, ông lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, bị quân Pháp phục kích và hy sinh tại tỉnh Xtung Treng, Campuchia. Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày tướng Nguyễn Bình hy sinh, nhưng dường như hình bóng của ông thì vẫn còn ở lại mãi với Chiến khu Đông Triều. Cụ Bùi Đình Hoàn (92 tuổi, ở thôn Đoàn Xá 1, xã Hồng Phong), một trong những người tham gia Đệ tứ chiến khu, dẫn tôi đi thăm Khu lưu niệm ở chùa Bắc Mã. Đứng trước tượng Nguyễn Bình, cụ Hoàn thành kính vái lạy, đôi mắt hoen lệ. Cụ kể, cả Chiến khu lúc đó ai cũng kính trọng tướng Nguyễn Bình, Tổng tư lệnh. “Ông Nguyễn Bình thao lược lắm, giỏi giang lắm. Lại gần dân và gắn bó gần gũi với anh em nữa” - Cụ Hoàn bùi ngùi kể.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()