Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:56 (GMT +7)
Cựu điều tra viên Hưng nhận án chung thân, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử
Thứ 6, 28/07/2023 | 17:11:32 [GMT +7] A A
Chiều nay (28/7), TAND TP Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.
HĐXX tuyên án: Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị tuyên tù chung thân
Toà tuyên phạt Bị cáo Hoàng Văn Hưng (SN 1980, cựu cán bộ Công an) tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản";
Bị cáo Trần Minh Tuấn (SN 1978, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa) 18 năm tù tổng cộng 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “Đưa hối lộ”.
Với tội đưa hối lộ, Toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1972, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 11 năm tù; Lê Hồng Sơn (SN 1975, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 10 năm tù; Hoàng Diệu Mơ (SN 1980, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình) 7 năm tù; Nguyễn Tiến Mạnh (SN 1970, Phó Giám đốc Công ty CP thương mại du lịch Lữ hành Việt) 7 năm tù; Vũ Thùy Dương (SN 1987, Giám đốc Công ty CP thương mại Lữ hành Việt) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;
Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 15 tháng tù treo đến 4 năm tù giam.
Với tội Môi giới hối lộ, Toà tuyên phạt Nguyễn Anh Tuấn (SN 1962, cán bộ Công an nghỉ hưu) 5 năm tù; Trần Quốc Tuấn (SN 1973, Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam) 3 năm tù; Bùi Huy Hoàng (SN 1988, cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) 30 tháng tù; Phạm Thị Kim Ngân (SN 1973, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra) 15 tháng tù.
Toà áp dụng phạt tiền bị cáo Nguyễn Anh Tuấn 50 triệu đồng, sung công quỹ nhà nước..
Cùng với mức án, ở nhóm tội Nhận hối lộ, toà tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước, số tiền đã nộp. Các bị cáo chưa nộp hết sẽ bị tiếp tục truy thu.
Tịch thu số tiền bị cáo Nguyễn Anh Tuấn nộp là 1,85 triệu USD.
Tịch thu tiền các bị cáo môi giới hối lộ hưởng lợi.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lĩnh án 16 năm tù
Ở tội Nhận hối lộ, Toà tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng (SN 1964, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 16 năm tù; Nguyễn Thị Hương Lan (SN 1974, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân; Đỗ Hoàng Tùng (SN 1980, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) 12 năm tù; Nguyễn Quang Linh (SN 1974, cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng) 7 năm tù;
Chử Xuân Dũng (SN 1973, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) 3 năm tù; Trần Văn Tân (sinh năm 1979, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 6 năm tù; Trần Văn Dự (SN 1961, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 7 năm tù; Nguyễn Thanh Hải (SN 1971, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) 6 năm tù; Lê Tuấn Anh (SN 1982, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự) 42 tháng tù;
Phạm Trung Kiên (SN 1981, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) tù chung thân; Vũ Anh Tuấn (SN 1979, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) tù chung thân;
Vũ Sỹ Cường (SN 1986, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù; Nguyễn Tiến Thân (SN 1980, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) 5 năm tù; Nguyễn Mai Anh (SN 1976, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) 6 năm tù; Nguyễn Hồng Hà (SN 1964, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản) 4 năm tù; Vũ Hồng Quang (SN 1977, cựu Phó trưởng Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) 4 năm tù;
Vũ Hồng Nam (SN 1963, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) 30 tháng tù; Ngô Quang Tuấn (SN 1984, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải) 4 năm tù; Vũ Ngọc Minh (SN 1961, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola) 30 tháng tù; Lưu Tuấn Dũng (SN 1987, cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) 18 tháng tù; bị cáo Lý Tiến Hùng (SN 1969, cựu chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo) 30 tháng tù.
Ở nhóm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Trần Việt Thái (SN 1974, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) từ 4 năm tù; Nguyễn Lê Ngọc Anh (SN 1988, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) 30 tháng tù; Nguyễn Hoàng Linh (SN 1986, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) 30 tháng tù; Đặng Minh Phương (SN 1985, cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) 18 tháng tù.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử
Theo HĐXX, mức hình phạt tử hình với bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là hoàn toàn tương xứng với tính chất mức độ và hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn, tác động gia đình khắc phục trên 42 tỉ đồng. Bị cáo có bố đẻ, bố vợ, là người có công với cách mạng.
Trên cơ sở chính sách khoan hồng của pháp luật, HĐXX xác định không cần thiết phải áp dụng loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chuyển sang mức hình phạt khác, thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát cũng đủ tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung, đồng thời khuyến khích những người có hành vi tham nhũng, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, nộp tiền khắc phục hậu quả được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Với các bị cáo Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan… nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc cho dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến chính sách nhân đạo của nhà nước và hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức nên cần thiết phải áp dụng mức án cao hơn mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát mới có tác dụng răn đe loại tội phạm nguy hiểm này.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nhận số tiền đặc biệt lớn trên 25 tỉ đồng, ban đầu không thành khẩn nên đáng lẽ phải áp dụng mức án cao nhất. Tuy nhiên, tại toà, bị cáo đã khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi nên toà thấy không cần thiết phải áp dụng mức án cao nhất với bị cáo Lan.
Hưng không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, cần phải có mức hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng không bị oan
Với bị cáo Hưng, HĐXX thấy, Hưng là điều tra viên chính vụ đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan. Bị cáo được Nguyễn Anh Tuấn nhờ giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.
Hằng đã đưa nhiều lần khoảng 2,8 triệu USD, song Tuấn khai chỉ nhận 2,65 triệu USD. Hưng không thừa nhận việc nhận khoản tiền nào từ Tuấn, tuy nhiên bị cáo xác nhận gặp Hằng nhiều lần tại nhà Tuấn và nhận chiếc vali.
HĐXX căn cứ vào: Từ tháng 1.2022-9.2022, Hưng là trưởng phòng điều tra, sau ngày 16.9.2022 Hưng bị điều chuyển. Toà cho rằng, Hưng biết rõ không được tiếp xúc người bị điều tra, không báo cáo thủ trưởng đơn vị.
Toà cho hay, để xác định hành vi của Hưng, HĐXX căn cứ vào lời khai của Tuấn, đơn tố giác của Sơn, Hằng và lời khai của Sơn về việc chưa gặp, chưa tiếp xúc với Hưng song được Hằng báo chuẩn bị tiền để lo lót.
Trong đó, Hưng có nói ”nếu quyết tâm cứu Sơn thì đưa tiền”, cùng với ghi chép của Hằng về mỗi lần đưa tiền cho Tuấn để chuyển cho Hưng; Toà căn cứ lời khai về các cuộc gọi giữa Hưng và Tuấn; Trao đổi tại nhà Tuấn giữa Hằng - Hưng - Tuấn; lời khai Hằng và Tuấn, Hưng có nói việc đưa tiền cho VKS, họ chê ít (đưa 350.000 USD); Lời khai của những người khác, dữ liệu điện tử, toà xác định 5.12.2022, cho thấy Hưng nhận chiếc cặp từ lái xe của ông Tuấn.
Việc bị cáo Hưng cho rằng, lời khai của Tuấn và Hằng không khách quan, chứng cứ một chiều, toà thấy không có cơ sở. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo xác định có mâu thuẫn gì với Tuấn và Hằng.
Toà cho rằng, ngoài lời khai của Tuấn, Hằng, cơ quan chức năng còn căn cứ vào lời khai của nhiều người khác, chứng cứ, dữ liệu điện tử khác. Theo toà, trong quá trình điều tra, Tuấn, Sơn đều bị tạm giam ở những nơi khác nhau, Hằng được tại ngoại nên không có việc trao đổi với nhau.
Từ đó, toà có đủ cơ sở xác định, ngày 16.9.2022, mặc dù đã điều chuyển sang làm trưởng phòng khác, không còn quyền hạn trong việc điều tra vụ án chuyến bay giải cứu, song Hưng lợi dụng chức vụ quyền hạn là trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra nên nắm được một số thông tin về vụ án, cung cấp cho Hằng và Tuấn để tiếp tục nhận tiền, số tiền tổng cộng là 800.000 USD.
Toà đánh giá, hành vi của bị cáo đủ dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Bị cáo Hưng không bị oan. Ý kiến bào chữa cho rằng Hưng bị oan, đề nghị trả hồ sơ điều tra toà thấy không có cơ sở, nên không được chấp nhận”, bản án nêu.
*Phiên xét xử kết thúc sau 18 ngày, sớm 12 ngày so dự kiến kéo dài một tháng. Số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 54 bị cáo, 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.
21 bị cáo "Nhận hối lộ": Có bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao;
Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Nguyễn Quang Linh - cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Văn Dự - cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
24 bị cáo ở nhóm tội "Đưa hối lộ", trong đó có bị cáo Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky; Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky.
Nhóm bị cáo tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có bị cáo Trần Việt Thái - cựu Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và 3 bị cáo khác.
Ở nhóm tội Môi giới hối lộ, có bị cáo Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội và 3 bị cáo khác.
Nhóm bị cáo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ, có Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra và Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hoà.
Trước khi tòa bắt đầu tuyên án, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng xin có ý kiến nhưng không được chấp thuận. Chủ tọa thông báo, chiều nay là phần tuyên án, bị cáo có ý kiến thì làm đơn gửi cơ quan tố tụng sẽ xem xét.
Khoảng 13h30', cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Vũ Hồng Nam (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu Trưởng phòng an ninh điều tra Hoàng Văn Hưng cùng 40 bị cáo lần lượt được dẫn giải đến phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu chờ nghe tuyên án.
Theo cáo buộc, số lần đưa - nhận hối lộ lên tới 515 lần, tổng 165 tỉ đồng, hành vi của 21 cựu quan chức nhận hối lộ bị Viện Kiểm sát đánh giá là "tham nhũng cực kỳ nguy hiểm", "phản bội sự cố gắng của chính đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của mình".
Vụ án xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại, trong khi Chính phủ có phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" thì nhóm cán bộ này lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, "trong sự khó khăn cùng cực của người dân".
Sai phạm của các bị cáo được xác định đã làm mất tính nhân đạo của những chuyến bay giải cứu, cơ quan công tố buộc tội.
VKS cho hay, theo thống kê của Bộ Y tế đến hết 19.7, hơn 43.000 người Việt Nam chết vì COVID-19. Chính vì vậy, sai phạm của 21 quan chức này, đã gây bất bình trong nhân dân, phản bội sự cố gắng của cả đất nước, những người đã trải qua một đại dịch "thảm khốc đau thương".
Hiện tại, chủ toạ đang công bố lại phần đánh giá của đại diện Viện Kiểm sát về hành vi của các bị cáo.
Theo công bố của chủ toạ, ở nhóm tội nhận hối lộ, ngoài Phạm Trung Kiên bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình, các cựu quan chức còn lại bị đề nghị mức án từ 2-20 năm tù.
Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị 12-13 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ. Thuộc cấp của ông Dũng, cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị 18-19 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 25 tỉ đồng.
Trong 24 bị cáo ở nhóm tội Đưa hối lộ, người bị đề nghị án phạt cao nhất là Lê Hồng Sơn với 11-12 năm tù, người thấp nhất Đào Thị Chung Thúy - lao động tự do mức án 12-18 tháng tù treo.
Cũng theo công bố của chủ toạ, Viện Kiểm sát, ngoài đề nghị mức án, còn buộc các bị cáo đã nhận hối lộ, tịch thu sung công các khoản tiền thu lợi bất chính khác.
Các luật sư bào chữa không có ý kiến tranh luận tội danh, đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, không áp dụng tình tiết tăng nặng, để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Bào chữa cho Hoàng Văn Hưng, luật sư cho rằng, chưa có căn cứ bị cáo lừa đảo, đề nghị toà tuyên Hưng không phạm tội.
Luật sư của Trần Minh Tuấn cũng đề nghị toà tuyên bị cáo không phạm tội Lừa đảo, Đưa hối lộ. Tuy nhiên, VKS cho rằng, việc truy tố các bị cáo ở các tội danh Đưa, Nhận, Môi giới hối lộ, Lừa đảo là không oan.
Việc nhận tiền “cảm ơn” là Nhận hối lộ
Tại phiên toà, các bị cáo cơ bản đã khai nhận hành vi, nên HĐXX sẽ không phân tích thêm.
Đối với một số ý kiến Đưa, Nhận hối lộ, luật sư cho rằng, việc đưa cảm ơn không phải là Nhận hối lộ.
HĐXX nêu, theo quy định pháp luật, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhận bất cứ lợi ích vật chất nào khác hoặc người có chức vụ không được nhận bất cứ quà tặng dưới hình thức nào đều là Nhận hối lộ.
Trong vụ án, toà thấy, việc xin cấp phép tổ chức chuyến bay, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các quan chức.
Ngoài Kiên, Tuấn đưa ra đòi hỏi, các bị cáo khác mặc dù không đưa ra cụ thể, thoả thuận chi phí cấp phép, nhưng đều được doanh nghiệp đã đưa “cảm ơn”, số tiền dựa trên các số chuyến bay được cấp phép.
Việc đưa tiền diễn ra nhiều lần, lớn so với thu nhập của cán bộ công chức. Các bị cáo điều hành doanh nghiệp khai, nếu không đưa tiền thì không được cấp phép, việc đưa có thể thực hiện trước hoặc sau khi đã tổ chức chuyến bay.
“Như vậy, việc nhận tiền là Nhận hối lộ”, toà xác định. Với các bị cáo Đưa hối lộ khai, do mong muốn được cấp phép chuyến bay, đã phải đưa tiền cho cán bộ Bộ Y tế, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Họ đưa tiền trước hoặc sau để cảm ơn, số tiền lớn, hoặc rất lớn.
Kết quả điều tra, sau khi đưa tiền, các doanh nghiệp được cấp phép chuyến bay nhiều hơn. “Việc đưa tiền đó là Đưa hối lộ”, bản án nhận định.
Theo Laodong.vn
- Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu thư kí Thứ trưởng nộp thêm 7 tỉ đồng khắc phục hậu quả
- Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
- Vụ bay giải cứu: Luật sư vô cảm với luận điểm về giá trị 42 tỷ đồng
- “Bay giải cứu”: Đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của Hoàng Văn Hưng
- Vụ “chuyến bay giải cứu”: “Rào cản” vô hình trong cấp phép chuyến bay
- Vụ “bay giải cứu”: Bị cáo không đòi hỏi nhưng không tránh được cám dỗ
Liên kết website
Ý kiến ()