Việt Nam từng nhiều lần thua Thái Lan ở chung kết nội dung này, như giải VĐTG 2010, 2013, 2019 hay gần nhất là SEA Games 31. Nhưng trong trận chung kết thế giới ở Bangkok tối 27/7, Việt Nam thắng 21-15, 23-21 để lần đầu vô địch.
Ở pha cầu quyết định, Thái Lan giao còn Việt Nam không thể dứt điểm. Chủ nhà có cơ hội tấn công nhưng lại đá không qua lưới, giúp các VĐV Việt Nam nhẩy lên và ôm nhau mừng. Các VĐV và HLV ngoài sân cũng chạy vào trong chia vui.
Đội tuyển nữ Việt Nam có sáu VĐV dự nội dung bốn người gồm Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Ngọc Yến, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trần Thị Thu Hoài, Nguyễn Thị Thu Trang.
Ngọc Yến cho biết từ nhỏ cô luôn thấy Việt Nam thua Thái Lan, nên coi đó là động lực phấn đấu thắng. "Hôm nay chúng tôi đã thành công, khi hạ Thái Lan", VĐV 18 tuổi này nói. "Niềm vui này tôi không thể diễn tả thành lời".
Việt Nam cho thấy màn trình diễn áp đảo ở nội dung này. Tại vòng bảng, đội toàn thắng ba trận, trong đó có tỷ số tuyệt đối 21-0, 21-0 trước Pakistan. Không đội nào thắng đậm như thế tại giải. Đến bán kết, Việt Nam lại thắng Hàn Quốc 2-0. Chung cuộc, nhà vô địch không thua hiệp đấu nào.
Cầu mây là thể thao phổ biến ở Đông Nam Á, và Thái Lan mạnh nhất. Môn này có nhiều nội dung như tâng cầu (hoop), đối kháng hai người (doubles), ba người (regu) hay bốn người (quad).
Lúc 16h45 hôm nay 28/7, đội tuyển nữ ba người Việt Nam sẽ chơi trận chung kết gặp Hàn Quốc.
Giải cầu mây thế giới luôn được tổ chức thường niên tại Bangkok, Thái Lan từ năm 1985. Giải bị huỷ năm 2020 và 2021 vì Covid-19. Tại SEA Games 31, cầu mây Việt Nam không giành HC vàng nào, còn Thái Lan chiếm sáu trên tám chức vô địch.
Ý kiến ()