Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:40 (GMT +7)
Tuyển sinh Đại học 2024: Mở thêm nhiều ngành mới
Thứ 5, 11/01/2024 | 22:59:42 [GMT +7] A A
Tính đến thời điểm hiện tại hàng chục trường đại học (ĐH) đã công bố thông tin tuyển sinh, mở ngành học mới để đón đầu xu thế.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) vừa thông báo, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Căn cứ để nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành này là dựa trên nền tảng sẵn có về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên chương trình ngành gần là vật lý kỹ thuật - điện tử. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dự định tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn bậc thạc sĩ thạc sĩ trong năm nay.
Ở khu vực miền Trung, hiện có các cơ sở đào tạo như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (đều thuộc ĐH Đà Nẵng) sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch trong năm 2024.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay.
Lãnh đạo các trường cho biết, việc mở và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hay thiết kế vi mạch trong năm nay để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường thời gian tới.
GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, có câu hỏi làm thế nào để phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Khi đó, cũng phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi như công nghệ ở đâu, vốn ở đâu, nguồn nhân lực thế nào, chuỗi thương mại ra sao... Sau 20 năm, hiện nay, lại đang nói về ngành điện tử ở Việt Nam với tư cách là ngành sản xuất có vị trí chủ chốt trong nền kinh tế. Ông Trình cho rằng Việt Nam có cơ hội thành công cao trong phát triển ngành bán dẫn do các yếu tố: có vị trí địa lý thuận lợi; có vị thế và ổn định chính trị tốt; nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt; có nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, có tay nghề cao, tận tâm, chăm chỉ và sáng tạo với hơn 70 trường ĐH công nghệ và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán), trong đó có một số trường có thứ hạng tốt trên thế giới.
Năm nay, ngoài ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, cơ sở giáo dục ĐH còn mở thêm nhiều ngành mới khác. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng vừa công bố một số điểm mới trong tuyển sinh ĐH chính quy năm 2024 với việc mở thêm ngành An toàn thông tin, nâng tổng số ngành/chương trình đào tạo lên 52.
Trường ĐH Phenikaa cũng tăng thêm 7 ngành/chương trình đào tạo so với năm 2023 gồm Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn), Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()