Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:09 (GMT +7)
Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam: Tuyển sinh và đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp
Thứ 4, 18/05/2022 | 07:18:11 [GMT +7] A A
Trung bình mỗi năm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tuyển sinh và đào tạo trên 4.000 học sinh, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Để hoàn thành mục tiêu này, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ giải pháp tuyển dụng thợ lò.
Năm 2022, Tập đoàn giao cho Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển sinh 4.300 chỉ tiêu. Để hoàn thành mục tiêu này, nhà trường giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các đơn vị, cá nhân gắn với đơn giá tiền lương và thu nhập; tăng cường nhân lực, cơ chế chính sách tiền lương cho công tác tuyển sinh và phân công cho các phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách công tác tuyển sinh. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ giải pháp tuyển dụng thợ lò. Đồng thời mở rộng địa bàn tuyển sinh đến các tỉnh Bắc Trung Bộ; tổ chức tuyên truyền, kết nối tuyển sinh tại địa bàn nhiều tiềm năng.
Đặc biệt thời gian gần đây, nhà trường đã triển khai hiệu quả ký quy chế phối hợp tuyển sinh và đào tạo thợ lò với các địa phương. Cụ thể, giữa tháng 5 vừa qua, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với Công ty CP Than Hà Lầm và UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) tổ chức ký biên bản hợp tác giữa 3 bên. Theo đó, nhà trường - doanh nghiệp và địa phương sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, phía doanh nghiệp sẽ cam kết tuyển dụng lao động đưa đi đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam để bố trí vào làm việc tại đơn vị, đồng thời hằng năm, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Phía địa phương sẽ có trách nhiệm giúp nhà trường, doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn tuyển dụng; các xã, thị trấn xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tổ chức tuyển chọn theo yêu cầu của nhà trường và doanh nghiệp.
Thực tế để có thị trường tuyển sinh bền vững giải pháp căn cơ chính là kết nối nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp với nhu cầu việc làm của nhân dân ở các địa phương. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng cầu nối vững chắc với chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền thông tin đến với nhân dân địa phương có mong muốn tìm kiếm công ăn việc làm. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, nhà trường đã ký quy chế phối hợp với 26 huyện thuộc 9 tỉnh thành để cùng với địa phương làm công tác tuyên truyền, đưa lao động đi đào tạo và công tác tại các đơn vị thuộc TKV. Riêng tại địa bàn Quảng Ninh, nhà trường đã ký quy chế phối hợp với 3 địa phương gồm: Ba Chẽ, Bình Liêu và Đầm Hà. Việc mở rộng ký quy chế phối hợp với các địa phương là chiến lược quan trọng tạo ra nguồn tuyển sinh thợ lò bền vững trong thời gian tới. Không những vậy, đây là những địa bàn trọng điểm giúp nhà trường tuyển dụng đủ số lượng đầu vào.
Theo số liệu thống kê của nhà trường, trong 4 tháng đầu năm, nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp tuyển được 2.040 chỉ tiêu đào tạo kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò (đạt trên 59% kế hoạch năm). Năm nay, Tập đoàn có thêm điểm mới đó là cấp học bổng bằng tiền mặt tối đa 1 triệu đồng/học sinh/tháng chế độ đào tạo liên thông đối với người học các nghề mỏ hầm lò. Ngoài ra, học sinh còn được hỗ trợ miễn học phí, đảm bảo chỗ ở, ký túc xá... Việc hỗ trợ này, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Để nâng cao chất lượng tuyển sinh sát với nhu cầu thực tế doanh nghiệp, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống tuyển sinh tỉnh ngoài, kết nối các tỉnh, huyện, xã, thôn đưa các thông tin tuyển sinh làm việc đến trực tiếp với người dân địa phương. Cùng với môi trường đào tạo bài bản, học sinh ra trường được thu xếp công việc có thu nhập cao, thợ lò của TKV còn được lao động trong môi trường làm việc an toàn, hiện đại. Không những vậy, các đơn vị đang tăng cường giữ chân người lao động, quan tâm thực hiện những vấn đề thiết thực, cụ thể cho công nhân như tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc, đi lại, ăn ở, xây dựng nhà ở cho công nhân...
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()