Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:55 (GMT +7)
Tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trở lại
Chủ nhật, 06/11/2022 | 23:26:50 [GMT +7] A A
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong phiên giao dịch cuối tuần (4/11), cơ quan này đã tiếp tục sử dụng công cụ tín phiếu trên thị trường mở để điều tiết thanh khoản tiền Đồng trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Trong đó, nhà điều hành đã thực hiện mua 7.826,22 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày từ 10/10 thành viên tham gia/trúng thầu, qua đó bơm ra thị trường lượng tiền Đồng tương ứng. Lãi suất bơm tiền phiên này là 6%/năm.
Ở chiều ngược lại, NHNN không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu nào.
Trên thực tế, đây đã là phiên giao dịch thứ ba liên tiếp cơ quan quản lý tiền tệ không phát sinh giao dịch bán mà chỉ thực hiện mua tín phiếu để bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng. Trong hai phiên liền trước, số tiền nhà điều hành đã bơm ra thông qua kênh giao dịch này lần lượt là gần 5.000 tỷ đồng phiên 3/11 và 15.522,23 tỷ đồng trong phiên 2/11.
Tính trong cả tuần này, NHNN đã thực hiện mua tổng cộng gần 58.200 tỷ đồng tín phiếu với cùng kỳ hạn 14 ngày, đồng thời bán ra lượng tín phiếu gần 20.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày. Như vậy, thông qua công cụ mua - bán tín phiếu, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng gần 38.200 tỷ đồng ra nền kinh tế tuần này, từ đó hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, ba phiên giao dịch gần nhất cũng kết thúc xu hướng vừa bơm vừa hút tiền trong cùng một ngày mà NHNN đã duy trì trong khoảng hai tuần.
Trước đó, từ trung tuần tháng 10, nhà điều hành đã duy trì trạng thái vừa bơm vừa hút tiền trong cùng một phiên giao dịch với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi suất tín phiếu mua vào (bơm tiền) và bán ra (hút tiền) đều duy trì ở mức 6%/năm cho thấy các giao dịch này chủ yếu mang tính chất điều tiết thanh khoản giữa các nhà băng.
Đến đầu tuần này, tương ứng với đầu tháng 11, ngay khi ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt với cặp tỷ giá USD/VNĐ, nhà điều hành đã tập trung bơm tiền Đồng trở lại với mục đích chính làm giảm áp lực huy động vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Sau giai đoạn tăng liên tiếp từ đầu tháng 10, tuần này, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD chủ yếu dao động quanh mức 23.690 đồng/USD (+/-3 đồng), giảm đáng kể so với mức trên 23.700 đồng/USD vào cuối tháng 10 trước đó.
Trên kênh giao dịch chính thức, hầu hết nhà băng vẫn niêm yết giá bán USD kịch trần 5% theo tỷ giá trung tâm, nhưng việc chỉ số điều hành đi ngang đã khiến giá mua - bán đồng bạc xanh giữ xu hướng đi ngang.
Hiện tại, giá giao dịch đồng ngoại tệ này của Vietcombank cố định ở mức 24.597 - 24.877 đồng/USD (mua vào - bán ra), không thay đổi so với cuối tuần trước. Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại các ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn như VietinBank, BIDV, Agribank, HDBank, Sacombank, ACB, Eximbank…
Với việc NHNN bơm tiền trở lại, các giao dịch này có thể giảm áp lực lên nhu cầu vốn ngắn hạn của các ngân hàng, từ đó làm hạ nhiệt cuộc đua lãi suất huy động.
Từ đầu tháng 10, các ngân hàng đã liên tục đưa ra biểu lãi suất mới với mức huy động cao ngất ngưởng. Thậm chí, có ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tới 2-3 lần chỉ trong một tháng.
Mới nhất, Techcombank có lần tăng lãi suất huy động cá nhân lần thứ hai trong một tháng, đưa lãi suất tối đa tại nhà băng này lên 8,7%/năm.
Trước đó, MBBank cũng đưa ra biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân với mức tối đa 8,7%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi online kỳ hạn 60 tháng. Nếu gửi tại quầy, lãi suất khách hàng của MBBank nhận được cũng là 8,6%/năm.
Hiện tại, một loạt ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất huy động gần 9%/năm là CBBank, Kienlongbank, VietCapitalbank, Saigonbank, VietABank… Trong khi đó, với tiền gửi thông thường, lãi suất cao nhất hiện thuộc về SCB với mức 9,15%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 9,3%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()