Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết con số này được tính sơ bộ sau khi kết quả kỳ thi được công bố.
Tuy nhiên, Cục này cho biết đây chưa phải tỷ lệ cuối cùng bởi thí sinh còn nộp đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT đến hết ngày 27/7. Việc xét công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo hoàn thành muộn nhất vào ngày 12/8.
So với ba năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay cao nhất nhưng tăng không đáng kể. Năm ngoái, con số này là 98,57%, năm 2021 là gần 96,88% và năm 2020 là 98,34%.
Con số này cũng cao nhất kể từ năm 2015, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu được đổi mới.
Năm | Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT (%) |
2015 | 91,58 |
2016 | 92,93 |
2017 | 97,42 |
2018 | 97,57 |
2019 | 94,06 |
2020 | 98,34 |
2021 | 98,6 |
2022 | 98,57 |
2023 | 98,88 |
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng (còn gọi là kỳ thi hai chung). Đây được xem là bước đột phá, gộp hai kỳ thi làm một nhằm giảm lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, kỳ thi cũng gây nhiều tranh cãi như cho thi trắc nghiệm Toán, đề thi dễ tạo ra "mưa điểm 10" vào năm 2017, sau đó bất ngờ quá khó, khiến lộ ra vụ gian lận thi cử với hàng trăm học sinh được nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018.
Năm 2020, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đề thi được thiết kế dễ hơn.
Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đỗ cao được dự đoán từ trước do đề thi có cấu trúc và nội dung tương tự những năm gần đây. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99% như Bình Dương (99,76%), Sơn La (99,68%), Hòa Bình (99,61%), Cà Mau (99,2%).
Ý kiến ()