Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:14 (GMT +7)
Thành tỷ phú nhờ trồng lan
Chủ nhật, 14/11/2021 | 07:34:26 [GMT +7] A A
Anh Lê Xuân Liêm (SN 1979, thôn Trại Mới A, xã Bình Khê, TX Đông Triều) đã thành công nhờ ứng dụng khoa học công nghệ để trở thành chủ trang trại hoa lớn nhất, hiện đại nhất ở Bình Khê.
Nói đến những tỷ phú nông dân, chúng tôi không khỏi khâm phục nghị lực của anh Liêm ở vùng đất trồng hoa Đông Triều này. Anh Liêm là một trong những hộ đầu tiên trồng hoa lan hồ điệp ở Bình Khê. Để có được những thành công như ngày hôm nay, ngoài bàn tay lao động cần cù, khối óc sáng tạo chưa đủ, có lẽ cả sự dấn thân và... liều lĩnh của anh.
Vốn là công nhân đóng tàu ở Hải Phòng, nhờ tháo vát, lại có chuyên môn về kỹ thuật, anh Liêm được Tập đoàn Vinashin cử sang Trung Quốc học lớp nông nghiệp công nghệ cao để trở thành cán bộ kỹ thuật nòng cốt khi Tập đoàn mở mang sang lĩnh vực nông nghiệp.
Lớp học kéo dài 2 năm, nhưng mới học được hơn 1 năm thì đoàn “cán bộ nòng cốt” phải xách ba lô về nhà vì sự kiện Vinashin khủng hoảng năm 2008. Điều kiện kinh tế khó khăn, anh Liêm cùng vợ và con nhỏ trở về quê vợ ở Bình Khê để kiếm kế sinh nhai. Những ngày đầu về Bình Khê, anh chưa biết xoay xở sao với khoảnh đất 120m2 bố mẹ vợ cho mượn.
"Việc đầu tiên mà tôi nghĩ đến chính là trồng lan hồ điệp. Những tưởng về quê không biết làm gì để sống, tôi lại tìm được ý tưởng của mình. Không chỉ được tiếp cận về kỹ thuật trồng lan trong thời gian ở Trung Quốc, tôi còn được tham gia các mô hình và học hỏi được rất nhiều từ Viện Khoa học nông nghiệp. Khác hẳn với hoa truyền thống, trồng lan theo cách này cần nhất vốn lớn, đó lại là thứ khó nhất với người gần như tay trắng như tôi" - anh Liêm hồi tưởng.
Năm 2012, khi mà Bình Khê chủ yếu trồng hoa truyền thống, anh Liêm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào làm hoa ứng dụng KHCN, khiến nhiều người cho rằng anh... gàn, liều lĩnh. Không liều sao được khi số vốn khởi nghiệp ban đầu chừng 600 triệu đồng, ngoài từ tiền tiết kiệm ít ỏi, anh vay mượn bạn bè, còn phần nhiều là vay ngoài.
600 triệu đồng "đổ” hết vào 300m2 lan giống như canh bạc lớn. Vụ đầu tiên làm, dù nắm rất chắc kỹ thuật nhưng anh cũng không khỏi lo âu. Và thành công cũng đến, với 3.000 gốc lan đã mang lại cho vợ chồng anh Liêm số lãi hơn 100 triệu đồng. Từ số tiền đó, vợ chồng anh Liêm dồn cả để đầu tư thêm 5.000 gốc lan và tích luỹ mở rộng diện tích.
"Bản thân tôi và người thân cũng từng canh tác hoa ly và chứng kiến bà con trồng hoa truyền thống, may rủi rất lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Với kỹ thuật vững, nguồn giống chất lượng được nhập khẩu ở Đài Loan, tôi càng có động lực. Lan hồ điệp là giống cây khó trồng nhưng nhờ đầu tư nhà kính nilon, lựa chọn giống kỹ càng, cùng với việc áp dụng chuẩn quy trình chăm sóc nên đã mang lại thành công”- anh Liêm chia sẻ.
Với cách làm đó, từ năm 2015 - 2016, anh Liêm đã thành công và có những đột phá về trồng hoa lan công nghệ cao. Tự tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm, đến nay anh Liêm có thể tự nuôi cấy mô trên giá thể thay việc nhập cây giống.
Một kỹ thuật khác giúp cho vườn lan của anh Liêm giảm được rất nhiều chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là biện pháp áp dụng thông khí. Thường ở những vườn lan công nghệ cao, chủ vườn phải dùng máy lạnh để duy trì nhiệt độ mong muốn, biện pháp này kiểm soát nhiệt độ tốt, nhưng chi phí cao, hoa nở ra lại không bền. Nhờ học hỏi kỹ thuật ở nước ngoài, anh áp dụng dùng quạt hút gió qua hơi nước, rồi thông khí hai bên nhà nuôi trồng.
Thành công như hôm nay nhưng anh Liêm cho biết anh và gia đình ban đầu cũng gặp phải rất nhiều những khó khăn trong việc tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thế nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", hoa lan của trang trại Xuân Liêm được người sành chơi đánh giá là đẹp, bền, màu sắc tươi, đa dạng, lại canh nở rất đúng dịp Tết.
Vì thế, dù hoa lan của anh có giá bán cao hơn lan nhập từ Trung Quốc và nhiều loại khác, nhưng vẫn không có đủ hàng để bán. "Trang trại của anh Liêm là mô hình tiêu biểu, là nghị lực tuyệt vời của những người nông dân Bình Khê" - chị Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê, chia sẻ.
Cho tới nay tổng diện tích hoa công nghệ cao của anh Liêm đã là 1.000m2, số vốn đầu tư là 2 tỷ đồng nhưng 50% trong số đó vẫn là nguồn vốn anh đi vay. Hiện trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 6-10 triệu/tháng. Anh Liêm cũng đầu tư sang một số lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm OCOP như dưa lưới, làm bột sắn dây.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()