Theo tờ The National, Thành phố Học thuật (Academic City) đã được chọn làm địa điểm mới của thành phố mô phỏng sao Hỏa.
Việc xây dựng thành phố mô phỏng sao Hỏa lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu ở sa mạc Dubai vào năm tới, dự kiến hoàn thành và bắt đầu hoạt động vào năm 2024.
Thành phố khoa học sao Hỏa (Mars Science City) trị giá 500 triệu Dh (136,1 triệu USD) đã được công bố vào năm 2017 nhưng bị kẹt trong giai đoạn thiết kế kể từ đó, vì các quan chức tại Trung tâm Vũ trụ Mohammed bin Rashid (MBRSC) vẫn chưa đảm bảo được mặt bằng xây dựng.
Ban đầu, thành phố được dự tính xây dựng bên cạnh MBRSC ở Al Khawaneej, nhưng Thành phố Học thuật hiện đã được chọn làm địa điểm.
Thành phố này dự kiến rộng khoảng 176.000m2, lớn hơn 24 sân bóng đá. Thành phố sẽ mô phỏng môi trường của sao Hỏa, với quần xã sinh học điều áp và phòng thí nghiệm người máy. Dự án này là một phần của sáng kiến Mars 2117 nhằm xây dựng một thành phố trên hành tinh đỏ vào năm 2117.
Adnan Al Rais, giám đốc dự án Mars 2117, nói với The National rằng, địa điểm mới mang lại sự linh hoạt lâu dài.
“Ban đầu, chúng tôi có một mảnh đất được dành cho Thành phố khoa học sao Hỏa, nhưng vì Dubai đang phát triển và quy hoạch đô thị mới nên vị trí gần MBRSC không còn phù hợp nữa. Nó đang trở thành một khu dân cư và nó sẽ không cho phép mở rộng” - ông nói. Địa điểm mới là Thành phố Học thuật. Đó là một khu vực tốt hơn và gần các trường đại học và các tổ chức khác nhau hơn.
Trong 18 tháng qua, ông Al Rais và nhóm cộng sự đã làm việc để xác định các yêu cầu của thành phố và tiến hành thuê tư vấn thiết kế.
Ông Al Rais cho biết, thành phố sẽ bao gồm một số tính năng cho phép các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới thực hiện các nghiên cứu liên quan đến hành tinh đỏ.
“Thành phố khoa học sao Hỏa sẽ có phòng thí nghiệm robot không gian trong tương lai, các cơ sở tương tự trong tương lai, một môi trường sống và một phòng thí nghiệm về tính bền vững trong không gian. Chúng tôi đang thiết kế, sau đó sẽ xây dựng trong hai năm tới. Hy vọng thành phố sẽ sẵn sàng và đi vào hoạt động vào cuối năm 2024" - ông nói.
Nhóm của ông Al Rais cũng đang làm việc với các đối tác để xác định yêu cầu đối với cơ sở vật chất của Thành phố khoa học sao Hỏa. Cơ sở vật chất này sẽ mô phỏng môi trường khắc nghiệt giống như không gian, nơi con người sống cô lập trong vài tuần hoặc vài tháng để chuẩn bị cho các sứ mệnh thám hiểm không gian trong tương lai.
Là một phần của một dự án khác, MBRSC đã chọn được 2 ứng viên của UAE để đến Nga vào cuối năm nay và sống trong một cơ sở tương tự trên sao Hỏa trong 8 tháng.
Nếu các cơ sở tương tự được xây dựng ở Thành phố khoa học sao Hỏa, nó sẽ giúp các phi hành gia của UAE dễ dàng tiếp cận hơn với việc đào tạo trong môi trường mô phỏng như vậy.
Ông Al Rais cho biết vẫn chưa chọn được kiến trúc sư cho thành phố, nhưng đã có những đề xuất.
Nhóm kiến trúc sư Bjarke Ingels đã đề xuất các tòa nhà 3D dưới lòng đất và khuyến nghị sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng và sưởi ấm cho thành phố.
Là một phần trong chương trình sao Hỏa của UAE, MBRSC cũng đã phóng tàu thăm dò Hope vào không gian, để quay quanh hành tinh đỏ. Tàu thám hiểm sao Hỏa Hope đang thu thập dữ liệu khoa học về tầng khí quyển trên và dưới của hành tinh đỏ, đồng thời đã gửi về Trái đất nhiều hình ảnh của sao Hỏa.
Ý kiến ()