Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 16:22 (GMT +7)
UBND tỉnh cho ý kiến về Kế hoạch triển khai Đề án 06
Thứ 5, 24/02/2022 | 17:21:18 [GMT +7] A A
Ngày 24/2, tại TP Hạ Long, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp trực tuyến của UBND tỉnh về việc xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và được kết nối trực tuyến tới trụ sở 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đề án xác định rõ 7 quan điểm chỉ đạo lớn, cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ định hướng từ nay đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu sẽ được ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; danh mục 52 nhiệm vụ với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.
Bản dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp, tham mưu xây dựng, đã xác định rõ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ, kinh phí và tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và các giai đoạn 2023-2025, 2025-2030. Trong đó, đã đề ra mục tiêu cụ thể đối với 5 nhóm tiện ích, gồm: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phục vụ phát triển KT-XH; nhóm tiện ích phục vụ công dân số; nhóm tiện ích phục vụ hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những khó khăn, thuận lợi của từng sở, ban, ngành, địa phương về hiện trạng, yêu cầu cụ thể trong công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử. Đặc biệt là đi sâu vào các yếu tố về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, lưu trữ; những yêu cầu trong quá trình tích hợp, kết nối các nhóm dữ liệu dùng riêng của các ngành, địa phương vào nền tảng chung của toàn tỉnh; giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng; chuẩn bị về điều kiện nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác vận hành, cập nhật dữ liệu; kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới nhân dân; nêu rõ nguồn lực, dự trù kinh phí thực hiện; ban hành quy chế thực hiện...
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Đề án 06 được triển khai với quy mô lớn, tác động sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số, công dân số. Xác định khối lượng công việc, nhiệm vụ đề ra để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đề ra là rất lớn, thời gian triển khai gấp, do đó, đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là làm rõ hơn nữa việc phân công nhiệm vụ cụ thể của từng ngành; kiểm tra, rà soát, hoàn thành việc kết nối dữ liệu theo đúng tiến độ đề ra, đảm bảo các yếu tố về hạ tầng dữ liệu kết nối từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo an toàn an ninh thông tin; khẩn trương trong việc ban hành quy chế thực hiện, phối hợp chung do ngành Công an chủ trì, tham mưu cho tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án 06 tới nhân dân; tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể...
Đối với các địa phương trong tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải khẩn trương thành lập tổ, ban chỉ đạo riêng về triển khai Đề án 06 đến tận cấp xã. Qua đó góp phần đảm bảo Kế hoạch triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh sát với yêu cầu của Trung ương, phù hợp với đặc thù tỉnh Quảng Ninh, đồng bộ với chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()