Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 01:27 (GMT +7)
Chuyển đổi số Quảng Ninh: Quyết tâm cao, hành động nhanh
Thứ 7, 19/02/2022 | 07:10:00 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, nhất là từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, ở tất cá các lĩnh vực và xác định lấy hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, có tính đột phá, sáng tạo, công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh đã trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử; nền hành chính của tỉnh được hiện đại hóa; thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến... Qua đó tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Đặc biệt, chính quyền điện tử ở Quảng Ninh được đánh giá là một trong những mô hình kiến trúc phù hợp với hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn và sát với thực tế giai đoạn mới. Trong đó, Bộ thủ tục hành chính được hoàn thiện, chuẩn hóa ở cả 3 cấp; mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi, nhận tài liệu qua môi trường mạng; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số...
Ước tính, sau gần 8 năm áp dụng chính quyền điện tử, thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ.
Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp (từ xã lên Văn phòng Chính phủ; từ xã của tỉnh Quảng Ninh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác nếu xã đã kết nối lên trục liên thông quốc gia). Tỉnh cũng là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công - giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng là một dấu ấn đáng ghi nhận của Quảng Ninh. Nhờ đó, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó. Đồng thời, Quảng Ninh còn công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ nền tảng của chính quyền điện tử, từ năm 2016, tỉnh phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.
Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện, đem lại cho Quảng Ninh nhiều bước tiến mới trong tổng thể KT-XH. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh - nơi được coi là "bộ não số" của mô hình thành phố thông minh. Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng app Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Hiện hầu hết các bệnh viện lớn ở Quảng Ninh đều có hệ thống y tế thông minh. Nhờ vậy người bệnh hoàn toàn có thể được điều trị, phẫu thuật tại tỉnh, với sự hỗ trợ của đội ngũ y tế từ tuyến Trung ương. Đây cũng được xem là một thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực chuyển đổi số của tỉnh.
2 năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tăng cường ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch, như triển khai mã QR Code, Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng AI... Cùng với việc kiểm soát thông tin người ra, vào tỉnh bằng ứng dụng CNTT trên nền tảng tích hợp dữ liệu, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hiện Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai mạnh mẽ và đồng bộ việc ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Thực tế cho thấy, xây dựng chính quyền số tại Quảng Ninh có nhiều thuận lợi. Những năm qua, sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh đã góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy rất rõ điều đó qua những kết quả quan trọng, như thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền phi giấy tờ, cung cấp các dịch vụ công, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bản tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng CNTT, viễn thông có mặt còn bất cập, thiếu đồng bộ. Các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung. Doanh nghiệp CNTT và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT). Kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về CNTT thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn. Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm...
Trước thực tế đó, các sở, ngành chức năng, trong đó giữ vai trò chủ chốt là Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tích cực nghiên cứu, phân tích, phối hợp với các đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm xây dựng Đề án về chuyển đổi số của tỉnh, làm cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó xác định rõ quan điểm, chuyển đổi số của tỉnh sẽ là một quá trình được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của Đề án chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có; đặt nguồn “tài nguyên mới ” là dữ liệu số mở, đảm bảo "sống”, “sạch”, đầy đủ, chính xác là quan trọng hàng đầu... Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước, đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Bên cạnh mục tiêu định hướng tổng quát, Đề án động lực của chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh còn đặt ra hàng loạt mục tiêu cụ thể trong 3 trụ cột chính của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể như trong chính quyền số, tỉnh đặt mục tiêu chậm nhất hết năm 2021 sẽ có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả 3 cấp được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số; 100% cơ quan khối Đảng liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc (trừ các nội dung mật)...
Phấn đấu đến năm 2024, 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp từ tỉnh đến xã và liên thông với Trung ương. Và đặc biệt là hoàn thành hạ tầng dữ liệu không gian cấp tỉnh trong năm 2024...
Về phát triển kinh tế số, tỉnh quyết tâm đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh và định hướng đến 2030 sẽ là 30%. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đóng góp từ 47-50% kinh tế số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số; hình thành khu CNTT tập trung “Ha Long ICT Park”...
Hay trong phát triển xã hội số, tỉnh xác định đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng; 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; 100% người dân, gia đình có định danh số và địa chỉ số; 100% trường học trên địa bàn tỉnh có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%...
Để có cơ sở thực hiện thắng lợi nghị quyết quan trọng này, tỉnh cũng đã chỉ rõ 4 nhóm giải pháp nhiệm vụ chung, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số...
Tin chắc rằng, nghị quyết “khai xuân” của Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xây dựng đầy đủ, chặt chẽ sẽ là cơ sở vững chắc tạo thêm sức bật cho Quảng Ninh trên hành trình chuyển đổi số trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện: Minh Hà - Hoài Anh
Trình bày: Mạnh Hà
Ý kiến ()