Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:07 (GMT +7)
UBND tỉnh: Chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Thứ 5, 15/07/2021 | 09:24:44 [GMT +7] A A
Từ đầu năm tới nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Hoạt động của UBND tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương; tuân thủ quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh; tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân; đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; cung cấp thông tin, giải trình kịp thời về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2021, ngay sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/12/2020 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 301/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đều đã tập trung nghiên cứu để triển khai các giải pháp trọng tâm thực hiện, đảm bảo bám sát tinh thần chỉ đạo. Trong đó, ưu tiên, tập trung cao nhất công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm, nguyên tắc “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; giữ vững được địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, nhanh chóng khôi phục các hoạt động KT-XH, ổn định đời sống nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành 299 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hằng tuần và đột xuất khi cần thiết, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND tỉnh họp, chỉ đạo trực tuyến tới 13 đơn vị cấp huyện, 177 đơn vị cấp xã và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại cơ sở, nhất là các địa bản, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch. Kiên trì giữ vững thành quả phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Song song với đó, UBND tỉnh rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Với quan điểm không để bị động, bất ngờ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ những ngày đầu năm 2021, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 và ban hành bằng Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 15/1/2021. Hằng tháng, UBND tỉnh tổ chức họp thường kỳ nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Dưới sự điều hành, chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã báo cáo, làm rõ những khó khăn, thuận lợi và đưa ra các giải pháp cụ thể trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, nhất là vai trò của người đứng đầu, trong việc thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực theo dõi.
Các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH được UBND tỉnh triển khai đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, xuất phát từ thực tiễn tại địa phương, đồng thời có tính “đi trước”, dự báo cao. Từ đầu năm tới nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển 3 khu vực kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp than, điện, xi măng, công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển ổn định khu vực nông, lâm, thủy sản để bù đắp sự giảm sút của khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm... Cùng với đó là các biện pháp điều hành ngân sách linh hoạt: Tăng thu ngân sách, cơ cấu lại nguồn thu, chống thất thu, khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách để đáp ứng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và mua vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân. Tiếp tục huy động nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tập trung nguồn lực bố trí nguồn lực cho các dự án đầu tư hạ tầng động lực, trọng điểm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao sự hài lòng của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính các cấp.
Từ đầu năm đến nay, cùng với các cuộc họp trực tuyến diễn ra thường xuyên, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã dành nhiều thời gian thực tế tại các địa phương để chỉ đạo trực tiếp nhiều nội dung quan trọng, nhất là trong chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực; giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả các công trình, dự án; tình hình phát triển KT-XH, công tác lập quy hoạch tại các địa phương;…
Từ sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đã góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất nước (đạt 8,02%). Đối với khu vực được xác định là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 là công nghiệp - xây dựng, tăng 9,64%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (11,7%) đạt mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2020 là 38,95%, vượt 17,6% so với kịch bản. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực, tỉnh vẫn thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách khá lớn, đạt 276.088 tỷ đồng, gấp 5,1 lần kịch bản đề ra. Quảng Ninh hiện dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()