Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 14/10/2024 20:54 (GMT +7)
UBND tỉnh làm việc với Vietinbank, bàn giải pháp hỗ trợ khách hàng sau bão
Thứ 3, 24/09/2024 | 11:10:00 [GMT +7] A A
Ngày 24/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) do đồng chí Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn để cùng bàn các giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục thiệt hại sau bão số 3.
Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão, chịu sức tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản, nhiều khách hàng của các tổ chức tín dụng không còn khả năng trả nợ, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, cây trồng bị gãy, đổ hoàn toàn), lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (tàu du lịch tham quan, tàu hàng... bị chìm đắm, hư hỏng)… Theo thống kê đến ngày 23/9, thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng gần 25.000 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có trên 21.000 khách hàng vay vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Vietinbank có 688 khách hàng, với tổng dư nợ ảnh hưởng là 4.956 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại 747,5 tỷ đồng, nhiều nhất ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ với 520 khách hàng, dư nợ 394 tỷ đồng; nông, lâm, thủy sản có 96 khách hàng, dư nợ 123,7 tỷ đồng…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank thông tin một số kế hoạch, chính sách của Ngân hàng đối với khách hàng bị thiệt hại sau bão số 3 như: Đã nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Ban hành Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường. Đồng thời thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2% tùy từng đối tượng khách hàng và mức độ thiệt hại; hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh phát sinh từ bão.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã bày tỏ cảm ơn đối với sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức tín dụng nói chung và Vietinbank nói riêng, đã chia sẻ khó khăn, mất mát đối với nhân dân Quảng Ninh.
Đồng chí nhấn mạnh: Để hỗ trợ nhân dân phục hồi sản xuất, tỉnh đã bắt tay ngay vào công tác khắc phục, báo cáo Chính phủ, ban hành các nghị quyết, hướng dẫn, nhiều chính sách phù hợp, thiết thực như: cấp bổ sung cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) số tiền là 180 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước đề nghị triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão. Tại buổi làm việc với 26 tỉnh, thành, trong đó có Quảng Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng dựa trên nguồn lực của mình để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai, bão lũ.
Với tinh thần đó, đồng chí đề nghị Vietinbank xây dựng và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ, có hướng dẫn cụ thể cho khách hàng, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp. Quảng Ninh cam kết dùng ngân sách để xử lý lãi với các khoản vay được khoanh nợ theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, tăng mức cho vay đảm bảo, mở rộng đối tượng, nâng hạn mức cho vay.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các quy định hiện hành của Nhà nước cho nhân dân hiểu, biết, triển khai thực hiện sớm, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, phù hợp, kịp thời cho nhân dân. Trong quá trình thực hiện phục hồi sản xuất, cần lưu ý thực hiện tốt các quy hoạch, quy hoạch vùng nuôi; có những giải pháp phù hợp, đổi mới phương thức, cách làm nhằm đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên để phát triển bền vững.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()