Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:26 (GMT +7)
UBTV Quốc hội: Đề xuất quy định mức đấu giá khởi điểm "sim số đẹp"
Thứ 5, 24/08/2023 | 21:58:16 [GMT +7] A A
Liên quan tới vấn đề đấu giá số thuê bao di động đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Dự thảo Luật Viễn thông lần này có sửa đổi nội dung về việc quy định một mức giá khởi điểm cố định số đẹp.
Theo chương trình Phiên họp 25, sáng 24/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao, bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cũng như dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Dự thảo Luật đã có nhiều quy định hợp lý, toàn diện hơn, đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển ngành Viễn thông, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội.
Tham gia đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến các nội dung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin; phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực.
Đồng tình với việc điều chỉnh, quản lý các dịch vụ mới, bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, viễn thông cơ bản trên Internet, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Điều 41 trong dự thảo Luật còn chưa rõ ràng.
Việc giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức đăng ký, thông báo, cần nghiên cứu các phương án quy định thay thế để đảm bảo phù hợp hơn.
Thông tin về một số nội dung liên quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, đối với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, khoản đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ là khoản đóng góp ngoài các quy định về thuế, làm tăng thêm chi phí của các doanh nghiệp viễn thông.
Tuy nhiên, nội dung Báo cáo tổng hợp và thực tiễn cho thấy, cần thiết phải giữ quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Trong thời gian qua, hoạt động quản lý, sử dụng Quỹ có sự tồn đọng. Đặc biệt, tồn dư Quỹ lớn trong khi hiệu quả sử dụng Quỹ chưa cao.
Theo Bộ Tài chính, quy định duy trì Quỹ cần cân nhắc thêm trên khía cạnh việc đóng góp vào Quỹ hằng năm của các doanh nghiệp viễn thông phải được xử lý linh hoạt, phù hợp nhu cầu, khả năng đóng góp của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất báo cáo Quốc hội cân nhắc, xem xét quy định một mức đóng góp tối đa, còn mức cụ thể hằng năm giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở đánh giá mức tồn Quỹ còn lại trong năm cũng như nhu cầu của năm tới và tình hình hoạt động chung, từ đó đưa ra mức cho năm mới theo hướng phù hợp nhất mà các doanh nghiệp viễn thông có thể đóng góp, nhằm sử dụng Quỹ một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng dư thừa quá nhiều trong khi đây là một khoản đóng góp ngoài quy định về thuế của các doanh nghiệp.
Nguyên tắc thị trường quyết định giá thuê bao di động số đẹp
Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (quy định tại Điều 48, 50 và 53), một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, còn các quy định khác về trình tự, thủ tục đấu giá dẫn chiếu theo Luật Đấu giá tài sản; có ý kiến đề nghị các quy định chi tiết khác, giao Chính phủ quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã chỉnh lý các quy định tại khoản 4 Điều 48; điểm c, d khoản 4 Điều 50, khoản 6 Điều 50.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung về cơ chế đền bù cho doanh nghiệp khi thực hiện mua sắm, sử dụng tài nguyên trong trường hợp thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet để phục vụ lợi ích công cộng, Thường trực Ủy ban đã bổ sung tại khoản 4 Điều 48 và khoản 4 Điều 53.
Liên quan tới vấn đề đấu giá số thuê bao di động đẹp ("sim số đẹp"), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, số đẹp có hàng trăm nghìn, thậm chí lên tới hàng triệu số.
Quy định trước đây là phải định giá từng số và khi định giá phải thuê tư vấn.
Theo ông Hùng, để định giá chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên khi bán đi mức giá có thể lại thấp hơn nhiều lần. Do đó, quy định trước đây không khả thi.
"Dự thảo Luật lần này có sửa đổi nội dung về việc quy định một mức giá khởi điểm cố định số đẹp. Một số đẹp đưa ra có hàng triệu người quan tâm, tính thị trường của nó rất cao. Khi có số lượng người quan tâm lớn, số đẹp sẽ được định giá sát hơn, theo nguyên tắc thị trường quyết định. Nếu thông qua được dự thảo Luật về vấn đề này sẽ khả thi," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, một vấn đề đặt ra là việc đấu giá đối với kho số viễn thông hay các tài nguyên vô hình như tài nguyên Internet đã có quy định ở Luật Đấu giá tài sản, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông, nhưng khi triển khai thực hiện đều gặp vướng mắc.
Do đó, ở góc độ xây dựng Luật, cố gắng có quy định về mức đấu giá khởi điểm song Chính phủ phải có các nghị định, hướng dẫn cụ thể để Luật được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định về Quỹ như hướng tiếp thu giải trình, hoàn thiện của cơ quan thẩm tra, đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về Quỹ, bảo đảm công khai, minh bạch, có căn cứ để kiểm tra, kiểm soát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; rà soát toàn diện các quy định, chính sách, điều kiện kinh doanh, quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên mạng Internet, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; quy định về quản lý, sử dụng, thiết kế, lắp đặt công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; việc kết nối chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo mật thông tin…
Cũng trong sáng 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quy định về vấn đề trên.
Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành việc thông qua Nghị quyết về mặt nguyên tắc; về mức trích, sẽ xin ý kiến, biểu quyết của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng phiếu sau./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()