Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:10 (GMT +7)
Ứng dụng CNTT trong quản lý, khai thác hồ sơ, phòng chống tội phạm
Thứ 7, 02/04/2022 | 08:14:31 [GMT +7] A A
Với việc hoàn thành tin học hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ an ninh, cảnh sát; việc quản lý, khai thác hồ sơ của Công an tỉnh ngày càng đáp ứng kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Là nơi quản lý hồ sơ nghiệp vụ của các can, phạm nhân, năm 2021, Đội hồ sơ căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh đã lập, đăng ký trên 19.000 hồ sơ nghiệp vụ; tra cứu trên 90.000 yêu cầu và nhập 40.000 cơ sở dữ liệu căn cước can phạm để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một trong những chứng cứ quan trọng để đưa mỗi vụ án ra ánh sáng, bắt những kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội. Chính bởi thế, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác rất cao, không được phép sai sót ở bất kỳ thao tác nào.
Trước đây, việc quản lý hồ sơ hoàn toàn được thực hiện bằng giấy tờ, sổ sách. Thế nhưng, giờ đây, bên cạnh việc quản lý, sử dụng những trang hồ sơ giấy, nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, đơn vị cũng đã ứng dụng nhiều phần mềm hiện đại phục vụ công tác tra cứu như hệ thống quản lý thông tin vụ việc, đối tượng; hệ thống nhận dạng vân tay tự động.
Trung tá Phạm Thị Thúy Hằng, Đội trưởng Đội hồ sơ căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh chia sẻ: Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu tra cứu gấp để kịp thời truy bắt tội phạm, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại để tra cứu đã giúp công tác rà soát, sàng lọc đối tượng nghi vấn được thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Việc ứng dụng CNTT đã cho thấy hiệu quả trong công tác lập căn cước can phạm đúng diện đối tượng, kịp thời phục vụ các yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, công tác giám định, xác minh, truy bắt đối tượng truy nã, giả mạo lai lịch, truy tìm tung tích nạn nhân, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Nhờ đó, đã góp phần giải mã thành công nhiều chuyên án.
Trong quản lý, khai thác hồ sơ, cho đến nay, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đã nhập hoàn chỉnh vào cơ sở dữ liệu điện tử hệ quản lý đối tượng, hệ thông tin vụ việc, hệ mạng lưới bí mật hồ sơ nghiệp vụ An ninh và Cảnh sát, hoàn chỉnh việc kết nối thông tin tội phạm với thông tin công dân. Với 100% yêu cầu được khai thác trên cơ sở dữ liệu điện tử, đã góp phần quan trọng cải cách hành chính trong việc tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các yêu cầu nghiệp vụ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Theo trung tá Hà Thị Hiền Phương, Phó trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ, đơn vị tiếp tục đưa vào ứng dụng, khai thác phục vụ có hiệu quả phần mềm dữ liệu hệ VAFIS; hoàn thành kết nối phần mềm quản lý hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát từ bộ phận hồ sơ của 13 phòng nghiệp vụ Cảnh sát, 13 Công an cấp huyện về phòng Hồ sơ và Cục hồ sơ nghiệp vụ, thông tin dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ được cập nhật hàng ngày từ cơ sở về để quản lý, khai thác, từng bước chuyển đổi mô hình từ quản lý hồ sơ sang quản lý thông tin nghiệp vụ.
Hiện tại, Công an các đơn vị, địa phương đã rà soát, bổ sung thông tin, làm sạch gần 7.000 dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ cơ bản hiện hành của lực lượng Cảnh sát toàn tỉnh. Mức độ chênh lệch giữa cơ sở dữ liệu điện tử và hồ sơ thực tế ban đầu là 219%, qua quá trình làm sạch, đến nay tỷ lệ còn 157% và đang tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để làm sạch cơ sở dữ liệu. Dự kiến thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu Công an tỉnh ban hành kế hoạch rà soát, bổ sung thông tin, làm sạch toàn bộ trên 50.000 dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát còn lại, làm tiền đề triển khai Dự án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ sinh trắc học, kết nối đồng bộ thông tin phục vụ công tác của lực lượng CAND”. Đây sẽ là cơ sở quan trọng, góp phần làm nên thành công của những chuyên án.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()