Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:54 (GMT +7)
Ứng phó nguy cơ thiếu điện
Chủ nhật, 14/01/2024 | 06:53:25 [GMT +7] A A
Sự cố 23 ngày thiếu điện trong năm 2023 được cho là bài học đắt giá, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, bảo đảm cung ứng điện cho năm 2024.
Cảnh báo cao điểm nắng nóng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000- 4.500 MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ là 1.950MW và năm 2025 là 3.770MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nhưng nhu cầu điện tăng trưởng tới 10%/năm. Do vậy, miền Bắc có khả năng thiếu công suất đỉnh vào cao điểm nắng nóng tháng 6 - 7/2024.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, hiện nay ở khu vực miền Bắc có rất nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng lớn đăng ký với quy mô lớn kéo theo mức tăng trưởng điện sử dụng của tổng công ty từ 8,7% - 13,7%.
Đại diện tổng công ty đưa ra 2 kịch bản cấp điện năm 2024. Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200 - 2500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.
Trong các tháng cuối năm, dự kiến nhu cầu sử dụng điện cũng ở mức cao và nguy cơ thiếu nguồn từ 200 - 400MW. Năm 2024, theo tính toán của EVN, việc cân đối cung - cầu điện được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở 8,96%. Trong cả 2 kịch bản lưu lượng nước về bình thường (tần suất nước về 65%) hoặc cực đoan (tần suất nước về 90%), hệ thống điện miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm nắng nóng, đặc biệt có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.
Trước đó, Bộ Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, năm nay trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đủ điện. Song, miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13 - 16 giờ, 19 - 22 giờ) trong các ngày nắng nóng.
Trường hợp cực đoan, nước về hồ thủy điện thấp, việc cung ứng điện cho miền Bắc khó khăn hơn. Dự báo miền Bắc có thể thiếu 420 -1.770 MW công suất điện trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.
EVN vẫn báo lỗ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hai năm qua, EVN gặp khó khăn về cân đối tài chính và thách thức lớn nhất năm 2024 vẫn là đảm bảo tài chính, cung ứng điện. Năm nay dự báo sản lượng điện thương phẩm tối đa 269,3 tỷ kWh. EVN lên kế hoạch yêu cầu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với GDP tăng 6 - 6,5%.
Lãnh đạo EVN nhìn nhận, cung ứng điện vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Chẳng hạn, miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9 - 10% mỗi năm.
Các tập đoàn Nhà nước chỉ quản lý trên 47% nguồn điện, trong đó EVN là 37,5%, còn lại phụ thuộc vào các nguồn điện bên ngoài. Điều này gây khó khăn trong quản lý vận hành hệ thống điện. Cùng đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện vẫn khó khăn về thủ tục, vốn, bố trí quỹ đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Về tình hình tài chính, ông Tuấn cho biết sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân vừa qua (thêm 7,5%), vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao. EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.
Tổng giám đốc EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét cho tập đoàn này loại trừ một số yếu tố khỏi khoản lỗ, để có nguồn trả lương cho người lao động. Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đánh giá lại thị trường điện để điều chỉnh, có thị trường điện minh bạch hơn thời gian tới.
Trước nhiều khó khăn về tài chính, cung ứng điện của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm nay. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn để EVN hoạt động thuận lợi hơn. EVN cần chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhìn nhận, ngành vẫn còn nhiều bất cập từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: Sản xuất, truyền tải và phân phối. Trong bối cảnh giá dầu, giá xăng, giá khí đốt đều tăng nhưng giá điện chỉ điều chỉnh tăng 7,5% trong 4 năm qua dẫn tới tình trạng ngành điện hoạt động tương đối khó khăn. Do đó, cần “trả” giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cũng đề xuất, để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có các kịch bản khác nhau để ứng phó với những biến động khó lường về sản xuất, cung ứng điện. Ngoài nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, đưa vào vận hành những nguồn điện mới, cần bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành tối ưu các nguồn điện hiện có; dự phòng phương án nhập khẩu điện. Đồng thời, công tác dự báo cũng cần chuẩn xác hơn để khai thác hài hòa nguồn thủy điện và nhiệt điện.
Hướng tới tự chủ, bảo đảm an ninh năng lượng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, năm 2024, Bộ sẽ chủ động, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với tinh thần nỗ lực cao nhất, nhằm bảo đảm cung ứng điện cho năm 2024.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn từ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, thích ứng với tình hình mới của thế giới.
Với vai trò, trách nhiệm là thành viên Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, gồm Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Việc triển khai thực hiện tốt các quy hoạch này sẽ góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời, thể chế hóa thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, năm 2023, việc đảm bảo năng lượng trong nước, nhất là năng lượng điện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Bộ Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định theo chức năng, thẩm quyền được phân công. Từ đầu năm đến hết năm 2023, bên cạnh các cuộc họp với các tập đoàn năng lượng (EVN, TKV, PVN), Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung cấp than, khí cho phát điện hằng năm; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng nhiên liệu than, khí cho phát điện và chỉ đạo công tác vận hành cung cấp điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, về định hướng năm 2024 và các năm tiếp theo, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung có nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan; ban hành các chương trình, kế hoạch theo thẩm quyền và tăng cường chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong ngành điện, than, dầu khí; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện sớm đưa vào vận hành các công trình năng lượng điện, dầu khí.., đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong mọi tình huống.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()