Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:35 (GMT +7)
Ứng phó với biến chủng Omicron
Thứ 5, 24/02/2022 | 08:13:07 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam xuất hiện ca mắc biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2. Tỉnh Quảng Ninh đến ngày 19/2 đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, là các trường hợp nhập cảnh đã được cách ly và quản lý.
Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới, biến chủng Omicron có tốc độ siêu lây nhiễm. Điều lo ngại đối với biến chủng này là bám chắc hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn các biến chủng cũ, có khả năng trốn né miễn dịch và khả năng kháng vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Omicron là biến chủng có độ lây lan gấp 5 đến 6 lần và khả năng tái nhiễm cao gấp 3 đến 8 lần so với biến chủng Delta.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, ngay khi đã được tiêm đủ vắc-xin cơ bản, nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron vẫn cao hơn đáng kể so với chủng Delta. Thực tế không riêng đối với biến chủng Omicron, mà với các biến chủng khác, khi người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, hoặc đã tiêm đủ các mũi vắc-xin cơ bản vẫn có thể bị tái nhiễm…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng (Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh), để xác định người bị mắc Covid-19, hiện nay đang sử dụng test xét nghiệm thông thường là kỹ thuật phân tử, kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên. Tuy nhiên, để xác định người bệnh mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, cần phải làm thêm một biện pháp xét nghiệm tiên tiến hơn, đó là giải trình tự gen. Hiện tại, Quảng Ninh chưa triển khai được xét nghiệm này, các mẫu phẩm thu thập được từ bệnh nhân dương tính với Covid-19 phải gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định.
Thực tế hơn 2 năm chống chọi với dịch bệnh, Quảng Ninh được đánh giá phòng dịch tốt trong cả nước. Đặc biệt, trước sự nguy hiểm của biến chủng mới Omicron, UBND tỉnh đã ban hành văn bản 461/UBND-DL1 ngày 20/1/2022 về chủ động biện pháp phát hiện biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, có yêu cầu cụ thể các nội dung đối với người lao động, đối tác của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các cá nhân trở về/đến Quảng Ninh từ TP Hồ Chí Minh, hoặc từ các địa phương phía Nam đi qua TP Hồ Chí Minh, khi đến công tác hoặc về lưu trú tại Quảng Ninh, người từ nước ngoài nhập cảnh vào Quảng Ninh; nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong quán triệt, thực thi, vận động người lao động thực hiện việc xét nghiệm kịp thời...
Quảng Ninh cũng nằm trong tốp đầu các địa phương trong cả nước về tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, giá trị của 2 mũi vắc-xin cơ bản phòng Covid-19 đã mang lại khả quan trong bảo vệ con người, làm giảm các triệu chứng, nguy cơ tử vong nếu bị mắc Covid-19. Khi tiêm nhắc lại liều bổ sung sẽ nâng cao khả năng kháng thể đối với các biến chủng, kể cả Omicron. Đối với những người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19, khi mắc đều có nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong, tai biến cao hơn người đã được tiêm phòng.
Hiện nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát chặt chẽ và khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc tiêm mũi 1 cho những người có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm; tiêm mũi 2 đối với những người mới được tiêm mũi 1 và tiêm mũi 3 đối với các trường hợp còn lại chưa tiêm trước ngày 27/2.
Khi tỷ lệ tiêm chủng của Quảng Ninh đạt cao, người dân cũng dần thích ứng với dịch bệnh, điều này cũng nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch của nhiều người dân. Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường. Những ngày gần đây, dù số ca F0 phát hiện trên địa bàn tỉnh giảm so với những ngày ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng vẫn ở mức cao. Riêng ngày 21/2, Quảng Ninh ghi nhận 1.899 ca mắc mới, trong đó có 1.683 ca cộng đồng, 215 ca đã quản lý, cách ly.
Theo đó, ngoài việc tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh, mỗi người dân cần nghiêm túc chấp hành tốt nguyên tắc 5K. Các địa phương cũng tăng cường khuyến cáo giám sát chặt chẽ các ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ lấy mẫu, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền “phòng bệnh hơn chữa bệnh”… Đặc biệt quan tâm đối tượng bảo vệ trọng điểm là người cao tuổi có nhiều bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc-xin, đồng thời, xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cho từng đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế và xã hội.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()