Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:35 (GMT +7)
Ứng phó với rét trái mùa
Thứ 2, 16/05/2022 | 10:51:21 [GMT +7] A A
Vào khoảng thời gian này hằng năm, miền Bắc đã bước vào mùa hè nắng nóng. Thế nhưng năm nay, mặc dù đã là giữa tháng 5, khi mà học sinh chuẩn bị nghỉ hè thì khu vực Bắc Bộ vẫn đón đợt không khí lạnh, ngoài nhiệt độ giảm mạnh, dự báo còn kèm theo mưa to đến rất to. Rét trái mùa đã khiến không ít người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng về tình hình thời tiết, thiên tai có thể xảy ra trong năm nay.
Có thể nói, đây là một trong những đợt không khí lạnh hiếm gặp. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi nhiệt độ thấp nhất 16 độ C, phổ biến từ 17-19 độ C. Trên đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-3m. Nguy cơ cao xảy ra đa thiên tai lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh, sạt lở, lũ lụt ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.
Với tình hình thời tiết bất thường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh trong các tình huống thiên tai. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.
Nhằm chủ động ứng phó với tình huống thời tiết diễn biến phức tạp, Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp uỷ, đảng uỷ trực thuộc, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ, thiên tai gây ra khi có tình huống nảy sinh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, đặc biệt là thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức triển khai những công việc liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về rủi ro thiên tai do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiêm trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, thiên tai, thông báo, cảnh báo nhanh, chính xác cho người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, tai nạn xảy ra; rà soát, đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, vật tư, thiết bị, dụng cụ cứu trợ, cứu nạn… để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó với thời tiết bất thường, mưa lũ, thiên tai. Đồng thời khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các điểm dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, khai trường, bãi thải để có phương án phòng, chống, di dời người dân khi có tình huống phức tạp do mưa lũ gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Có thể thấy, những năm gần đây, thời tiết, khí hậu Việt Nam có những biến đổi rõ rệt, mỗi người dân có thể cảm nhận được từ những hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ngày một nhiều, như đợt rét trái mùa đang diễn ra là một ví dụ. Lũ lụt, sạt lở đất, gió bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn... với tần suất ngày càng cao, mức độ tàn phá ngày càng nặng nề hơn đối với môi trường, đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ngoài việc hạn chế gây ô nhiễm môi trường thì mỗi địa phương, cơ quan, ban, ngành và mỗi người dân cũng cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với tình hình thời tiết xấu, thiên tai có thể xảy ra.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()