Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 23:25 (GMT +7)
UOB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,6%
Thứ 3, 03/12/2024 | 12:11:11 [GMT +7] A A
Năm 2024, UOB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,4%, với dự báo kết quả tăng trưởng quý 4 năm 2024 đạt mức 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 2/12, Ngân hàng UOB phát đi báo cáo về dự báo kinh tế Việt Nam quý 4 nhận định do quý 3 tăng trưởng GDP đạt kết quả tốt nên đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,6%.
Quý 3 có tốc độ tăng trưởng cao nhất
Chuyên gia UOB nhận định tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đạt kết quả tốt hơn dự kiến trong quý 3/2024, tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo trung bình của thị trường là 6,1% và mức dự báo của ngân hàng là 5,7%.
“Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý 3 năm 2022, khi các hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch. Kết quả mới nhất này đã góp phần nới rộng mức tăng 7,09% (đã điều chỉnh) trong quý 2/2024, tạo nên mức tăng tích lũy trong 9 tháng năm 2024 là 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả bất ngờ của quý 3/2024 phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế, bất chấp sự tàn phá của cơn bão Yagi,” chuyên gia UOB nhận định.
Cũng theo UOB, mặc dù các lĩnh vực chính đều bị ảnh hưởng bởi cơn bão, sản lượng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 3/2024 nhìn chung đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (chậm hơn so với mức 3,6% trong quý 2 năm 2024). Sản lượng sản xuất tiếp tục tăng tốc 11,4% so với cùng kỳ năm trước từ mức tăng 10,4% trong quý 2/2024. Khu vực dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước sau mức tăng 7,1% trong quý 2/2024.
Nhìn chung trong quý 3/2024, khu vực dịch vụ là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP với 3,24 điểm phần trăm, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng với 3,37 điểm phần trăm, 2 lĩnh vực này chiếm 89% trong mức tăng chung là 7,4%.
Các dữ liệu được công bố mới nhất cho thấy quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam vẫn đi đúng hướng. Tính đến tháng Mười, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, duy trì đà tăng trưởng hai chữ số cho đến nay.
“Trong cả năm 2024, chúng tôi dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 18%, đây sẽ là năm mạnh nhất kể từ năm 2021. Nhập khẩu tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Mười, dẫn đến thặng dư thương mại là 22,3 tỷ USD trong 10 tháng, là mức thặng dư thương mại lớn thứ hai được ghi nhận sau mức 28 tỷ USD vào năm 2023,” chuyên gia UOB cho biết.
Liên quan đến điều này, đà tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mở rộng, với dòng vốn FDI đã đăng ký là 27,3 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm 2023. Dòng vốn FDI thực tế tính đến tháng Mười đạt 19,6 tỷ USD và đang trên đà trở thành năm thứ 3 liên tiếp đạt mức kỷ lục về dòng vốn FDI.
Trong nước, đà tăng trưởng doanh số bán lẻ trong năm 2024 phần lớn vẫn ổn định cho đến nay, với mức tăng 7,1% vào tháng Mười và mức tăng trung bình từ đầu năm đến nay ở mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước và so sánh với mức tăng 10,4% trong cả năm 2023. Điều này một phần được hỗ trợ bởi mức tăng 41% về lượng khách du lịch, lên tới 14,1 triệu lượt khách tính từ đầu năm cho đến tháng 10. Điều này là do sự gia tăng từ các nguồn khách du lịch hàng đầu bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, khu vực Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, so với sự bùng nổ trước giai đoạn dịch COVID-2019, dữ liệu về lượng khách du lịch đến vẫn tiếp tục giảm sút và có thể cần thêm một đến hai năm nữa để trở lại mức trước đại dịch.
“Xét đến các yếu tố trên, chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam ở mức 6,4%, với dự báo kết quả tăng trưởng quý 4 năm 2024 đạt mức 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Đối với năm 2025, chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng là 6,6%,” chuyên gia UOB nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia UOB cũng cho rằng với việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là ông Donal Trump 2.0, khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện. Một rủi ro chính cần lưu ý là các hạn chế thương mại tiềm tàng đối với Việt Nam, vì thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần từ 39,5 tỷ USD năm 2018 lên gần 105 tỷ USD năm 2023.
Nhìn chung, thâm hụt thương mại của Mỹ với ASEAN đã tăng gần gấp đôi lên 200 tỷ USD năm 2023 từ mức dưới 100 tỷ USD năm 2018 với các diễn biến thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng thay đổi để ứng phó với các hạn chế được áp dụng trong nhiệm kỳ Trump 1.0.
Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì ổn định
Cũng theo các chuyên gia của UOB, với tình hình kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và kéo dài sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chịu nhiều sức ép phải vội vàng nới lỏng chính sách. Chỉ số lạm phát vẫn ở mức dưới mục tiêu 4,5% kể từ tháng 6/2023, do đó giảm bớt phần lớn áp lực cho Ngân hàng Nhà nước.
“Tuy nhiên, với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời ông Trump và sức mạnh của đồng USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VND. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn chính sẽ duy trì ở mức hiện tại là 4,50%,” chuyên gia UOB nhận định.
Bên cạnh đó, VND đã trải qua một giai đoạn nhiều biến động trong vài tháng qua. Sau khi ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất (3,5%) kể từ năm 1993 vào quý 3/2024, VND đã đảo ngược tất cả các mức tăng trong tháng 10 và tháng 11. Mặc dù có nền tảng vững chắc, VND vẫn bị kìm kẹp bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ Trump 2.0./.
Theo vietnamplus.vn
- Việt Nam và Singapore tăng cường giám sát trong triển khai các hiệp định về lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số
- Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế
- "Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp, kinh tế - xã hội"
- Tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()