Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 08:05 (GMT +7)
"Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp, kinh tế - xã hội"
Chủ nhật, 01/12/2024 | 15:20:49 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc trọng thể. Đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp; kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác của đất nước. Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh về một số nội dung liên quan đến kỳ họp.
- Thưa đại biểu, sau hơn một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã được bế mạc trọng thể. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả nổi bật của Kỳ họp này?
+ Với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra với hiệu quả, chất lượng rất cao. Kỳ họp có nhiều đổi mới trong chương trình, nội dung, điều hành công khai, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể.
Các báo cáo, dự án luật được chuẩn bị khá tốt, nhất là các dự án Luật trình Quốc hội thông qua, báo cáo thẩm tra được chuẩn bị kỹ, có tính phát hiện, phân tích chặt chẽ, logic, trọng tâm, trọng điểm. Các ĐBQH tham gia thảo luận (tại tổ ĐBQH và phiên họp toàn thể) với tinh thần tích cực, có trách nhiệm và chất lượng. Các phiên họp toàn thể diễn ra với không khí sôi nổi, các vị ĐBQH đã thảo luận, tranh luận để làm rõ hơn vấn đề. Điều hành của Chủ tọa phiên họp linh hoạt, tạo không khí dân chủ.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội thông qua với mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Bên cạnh đó, công tác nhân sự được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo chặt chẽ dân chủ, khách quan và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của ĐBQH. Ngoài ra, Quốc hội thông qua nhiều chủ trương quan trọng: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; xây dựng Chính quyền đô thị TP Hải Phòng; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Đây là những vấn đề lớn có tác động sâu rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh của đất nước. Các nội dung này được chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ, nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của ĐBQH, được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Về công tác giám sát, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao. Các vị ĐBQH qua thực tiễn hoạt động đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu vấn đề, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, với những câu hỏi cụ thể. Các đại biểu đã thẳng thắn nêu nhiều vấn đề “nóng”, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn.
Tôi đánh giá phần điều hành Phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, dứt khoát, đảm bảo các nội dung hỏi và trả lời đi vào đúng trọng tâm, đến tận cùng vấn đề đại biểu quan tâm. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, thẳng thắn, nghiêm túc bám sát chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐBQH nêu; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
- Tại kỳ họp lần này, công tác lập pháp có khối lượng lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Xin đại biểu đánh giá về vấn đề này?
+ Theo tôi, điểm nhấn đáng chú ý tại Kỳ họp này là công tác lập pháp. Quốc hội đã thông qua 18 Luật, 4 Nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Có thể nói, đây là kỳ họp có số lượng nội dung cần cho ý kiến và thông qua nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Số lượng luật trình tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhưng công tác chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng. Hồ sơ các dự án luật cơ bản được Chính phủ trình đầy đủ, có căn cứ lý luận và thực tiễn, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị các dự thảo văn bản hướng dẫn luật kèm theo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra nghiêm túc, sâu sắc. Các ĐBQH đã tham gia thảo luận đóng góp, phản biện nhiều ý kiến với trách nhiệm cao, nhất là với 18 Luật được thông qua tại Kỳ họp này.
- Xin đại biểu đánh giá về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và các Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8?
+ Các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp, cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm. Vì vậy, tôi cho rằng, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng, để khi được thông qua và có hiệu lực có thể áp dụng ngay trong thực tiễn. Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, hội nghị lấy ý kiến, gửi văn bản xin ý kiến gửi các đơn vị, địa phương, chuyên gia có liên quan đối với tất cả các dự án Luật để công tác lập pháp đạt hiệu quả cao, bám sát thực tiễn cuộc sống.
Đối với cá nhân, tôi đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu hai dự thảo luật: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản; trong đó Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tôi kiến nghị cần có biện pháp, cơ chế xử lý những bất cập trong quy định về người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh trở lên; đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt; quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Luật Địa chất và Khoáng sản, tôi quan tâm tới khái niệm khoáng sản đi kèm, phân loại đối với các loại khoáng sản thông thường (như đất, đá trong khai thác than); phân nhóm khoáng sản, quy trình, thủ tục xử lý và đổ thải; quy định điều chỉnh kết quả thăm dò khoáng sản; việc lập lại Đề án cải tạo phục hồi môi trường tích hợp trong Đề án đóng cửa mỏ; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với việc công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng nhóm III…
Tôi rất vui khi những nội dung tham gia của tôi đã được Cơ quan soạn thảo Luật và các cơ quan của Quốc hội nghiêm túc xem xét, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi lần này.
- Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để các luật, nghị quyết đã được thông qua đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung?
+ Ngay sau kỳ họp Quốc hội, đề nghị UBTVQH sẽ sớm tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về các Luật được thông qua. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng có kế hoạch tổ chức hội nghị nhằm quán triệt sâu và làm rõ hơn về những điểm mới của các Luật, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, cử tri và nhân dân nắm được. Qua đó tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các Luật, Nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
- Xin cảm ơn đại biểu!
Nguyễn Thanh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()