Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT +7)
Ước chi mỗi ngày đều giống như... mùng 1 Tết
Thứ 6, 08/02/2008 | 16:38:58 [GMT +7] A A
Ngày đầu tiên của năm 2008 đã đến từ cách đây hơn 1 tháng. Nhưng với nhiều dân tộc Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, năm mới - Mậu Tý 2008 chỉ thực sự bắt đầu cách đây vài giờ. Và, phút giao thừa - thời điểm chuyển giao giữa giây cuối cùng của ngày năm cũ với khắc đầu tiên của ngày năm mới, cũng như cả ngày này - mùng 1 Tết có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Cách đây khoảng 20 năm trở về trước, từ trước giờ giao thừa người ta, nhất là người dân ở các vùng quê miền Bắc, tuyệt đối không ra khỏi nhà. Cho đến cả buổi sáng ngày mùng 1 Tết cũng vậy. Người ta sợ mình trở thành người "xông đất", lỡ "số" mình năm đó không may mắn thì sẽ đem đến chuyện xui rủi cho gia đình, cho người khác. Tất cả, từ lời nói đến việc làm, thậm chí cả ý nghĩ, đều phải hết sức giữ gìn, tránh những gì gọi là không hay, cho mình, cho gia đình và cho những cả những người xung quanh. Người ta sợ "giông cả năm"!
Tục lệ không ra khỏi nhà trong những giờ đầu tiên của năm mới âm lịch nay nhiều nơi, nhiều nhà đã không còn thực hiện. Có lẽ do nhịp sống đô thị đã lan tỏa khắp nơi. Cũng có thể do quan niệm về sự may - rủi đã có chút thay đổi, đi ra ngoài để mang "lộc" về... Dù thế, trong những giờ phút đầu tiên của năm mới này, người ta vẫn dành cho mình và cho nhau tất cả những gì tốt đẹp, hay ho nhất, một cách thành tâm.
Sau giao thừa, sáng mùng 1, ông bà cha mẹ mừng tuổi (lì xì) cho con cháu; ngược lại những người thuộc thế hệ sau cũng chuyển đến những người sinh thành ra mình ước mong họ có sức khỏe dồi dào, công việc suôn sẻ, sự nghiệp hanh thông, gia đình yên ấm, vân vân và vân vân. Khách đến chơi nhà hay người quen gặp nhau ngoài đường, người ta trao cho nhau lời chúc ngàn điều tốt đẹp, vạn sự may mắn trong suốt năm. Nếu lỡ có sự va chạm không mong muốn nào đó, người ta dễ dàng xuê xoa cho nhau. Trong khoảng thời gian trọng đại của một năm này, ngay cả với người không quen biết người ta cũng sẵn sàng trao cho nhau nụ cười trên môi, ánh nhìn trìu mến; người ta dễ dãi với nhau trong mọi chuyện liên quan...
Ước chi, mỗi ngày đều giống như mùng 1 Tết, "người với người sống để yêu nhau". Sẽ không có chuyện con cháu hành hạ ông bà, cha mẹ. Sẽ không có việc dùng dao, dùng súng để giải quyết mâu thuẫn. Sẽ không có cảnh chủ hành hạ người giúp việc. Sẽ chẳng còn thấy những hành động, thái độ hung dữ đối với trẻ thơ - những búp măng non cần được nâng niu, bảo vệ...
Một xã hội văn minh, biểu hiện đầu tiên, có lẽ, bắt đầu từ việc cư xử với nhau bằng chữ "tình" một cách thành tâm. Nếu mỗi ngày đều giống như mùng 1 Tết, từ lời nói đến cử chỉ, từ suy nghĩ đến hành động, cho mình và với mọi người xung quanh, tất cả đều hướng thiện, thì cuộc sống này sẽ đúng là... vui như Tết!
Liên kết website
Ý kiến ()