Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:40 (GMT +7)
Ước mơ giản dị của Thương
Thứ 2, 28/06/2021 | 09:14:34 [GMT +7] A A
Phạm Thị Hoài Thương (26 tuổi), phường Cao Xanh, TP Hạ Long, cô gái tí hon mang trong mình di chứng của chất độc da cam vẫn không ngừng nỗ lực, vượt lên số phận, bền bỉ thực hiện ước mơ của mình, để trở thành một kế toán viên.
Như một đóa hướng dương
Mùa hè năm 2018, tại Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) chắc hẳn ai có mặt đều không khỏi ngạc nhiên trước cô gái nhỏ Phạm Thị Hoài Thương, cao chưa đầy 1m, cân nặng chỉ vỏn vẹn khoảng 20kg tới dự thi. Đôi chân của Thương không thể đi lại, nên được các bạn, thầy cô hỗ trợ đưa vào phòng thi và được bố trí một bộ bàn ghế đặc biệt.
Mặc dù được đặc cách tốt nghiệp cấp III, nhưng Phạm Thị Hoài Thương vẫn đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia. Suốt chặng đường dài, vượt lên nỗi đau da cam và những mặc cảm bản thân, Phạm Thị Hoài Thương kiên trì, bền bỉ với ước mơ của mình và đã trở thành sinh viên Khoa Kế toán, Viện đại học Mở Hà Nội.
Phạm Thị Hoài Thương chia sẻ: “Ai cũng có những ước mơ, với em đó là được học, được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình, trở thành người có ích cho xã hội. Và hơn hết đó là đỡ đần, chia sẻ gánh nặng cho mẹ em”.
Kể về gia cảnh và quá trình nỗ lực của con gái, bà Phạm Thị Nhiễu - mẹ của Thương, cho biết, Thương là thế hệ thứ 3 trong gia đình nhiễm chất độc da cam. Ông ngoại Thương là lái xe Trường Sơn, đã qua đời vì ung thư do di chứng của chất độc. Năm 2017, Thương mất đi người em trai cũng bị di chứng như mình.
“Do bị khuyết tật, sức khỏe rất kém, nên từ bé Thương không thể đến trường như các bạn cùng tuổi. Nhưng vì muốn con không bị thiệt thòi, ngày ấy tôi đã đi xin sách vở về nhà dạy con. Việc học tập khá khó khăn vì hầu như Thương chỉ nằm một chỗ, khi viết, cằm phải tì xuống giường để nâng tay lên tô từng nét” - Bà Nhiễu kể.
Tuy vậy, chưa bao giờ Thương xao nhãng tinh thần học tập. Rồi gia đình, thầy cô, bạn bè hỗ trợ nhiều, Thương đã đến trường đều đặn và rất chăm chỉ. Em chỉ nghỉ học khi bị ốm nặng. 12 năm học phổ thông, Thương là học sinh giỏi của trường, luôn được bạn bè, thầy cô nhắc đến như một tấm gương sáng vượt lên trên số phận, đạt được những thành tích cao trong học tập.
Quả thực, có mặt tại nhà Thương, chúng tôi thực sự cảm phục cô gái bé nhỏ này. Quanh căn phòng nhỏ, ngoài sách vở, còn có rất nhiều giấy khen được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Nào là danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, cuộc thi viết chữ đẹp, thi toán cấp thành phố, học sinh giỏi văn cấp tỉnh, giấy khen học sinh giỏi... Nhìn những thành tích đó thôi, cũng đủ thấy sự nỗ lực không ngừng, quyết tâm mãnh liệt vươn lên số phận của cô học trò khuyết tật Phạm Thị Hoài Thương.
|
Có một câu hát mà Thương rất yêu thích đó là “Và tôi sống như đoá hoa này. Toả ngát hương thơm cho đời. Sống với nỗi khát khao rằng. Được hiến dâng cho cuộc đời. Hôm nay dẫu có gian nan. Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi”... Thương chia sẻ, đôi lúc em cũng không tránh khỏi tinh thần sa sút, khi ấy lời bài hát luôn vang lên trong tâm trí, như thôi thúc em phải tiếp tục cố gắng, tiếp tục rèn luyện để chạm được đích thành công.
Cùng với những nỗ lực của bản thân, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, sự động viên của bạn bè, thầy cô giáo, Thương đã vượt lên chính mình và em đã vươn lên như những đóa hướng dương mạnh mẽ hướng đến mặt trời.
“Ước mơ ngày nhỏ của em là trở thành một nhà tâm lý học, nhưng sau này em muốn trở thành một kế toán viên. Công việc này phù hợp với hoàn cảnh của em, có thể làm việc tại nhà mà vẫn có thu nhập để giúp đỡ mẹ” - Thương bộc bạch.
Tiếp tục ước mơ giản dị
“Dù không nói, nhưng tôi biết con bé thương mẹ lắm. Những ngày trái gió trở trời, không được khỏe nhưng chưa lần nào thấy con khóc hay than phiền. Cháu chăm học và không bao giờ để mẹ phải bận lòng. Nhìn con, nhìn thấy nghị lực phi thường từ con với khát khao làm được nhiều việc để đỡ đần khó khăn cho mẹ, tôi cũng không cầm được nước mắt. Chỉ mong con luôn mạnh khỏe để đạt được ước mơ ấy...” - Bà Phạm Thị Nhiễu tâm sự.
Phạm Thị Hoài Thương hiện đang theo học năm thứ 3, hệ đào tạo từ xa Viện đại học Mở Hà Nội. Những tiết học online, những bài thi hết môn, tiểu luận, khóa luận… với hàng trăm, nghìn con chữ chưa từng làm khó được Thương. Cô gái nhỏ có gương mặt sáng bừng với vầng trán cao ấy luôn say mê học tập bằng hết khả năng và thời gian của mình.
Thương cho biết: "Những lúc khỏe em tranh thủ thời gian để hoàn thành bài học, bài tập của mình, nên chưa bao giờ trễ hạn nộp bài. Chương trình học đại học có nhiều môn khó, nhưng đó không phải là rào cản với em. Em chỉ sợ những lúc thời tiết thay đổi, bàn tay cử động khó khăn, hay thân thể yếu gây ảnh hưởng đến quá trình học tập, tiếp thu bài giảng thôi...".
Khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để cán đích thành công là chặng đường ai cũng cần phải trải qua trên hành trình tìm đến mục tiêu, lý tưởng của mình. Với Thương, đó chính là vượt lên số phận, vượt lên nghịch cảnh của cuộc đời để tiếp tục sống với khát khao của mình.
Hiện tại, Thương đang trang trải học phí bằng học bổng của Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh quyên tặng và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh. Mong muốn của Thương là có thể tự kiếm tiền, nuôi sống bản thân bằng chính khả năng của mình. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là Thương tốt nghiệp đại học, giống như bao cô cậu sinh viên trước ngưỡng cửa cuộc đời, Thương cũng có ít nhiều trăn trở, nhưng niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tốt đẹp luôn bừng cháy trong cô gái nhỏ này.
“Em sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa, phấn đấu ra trường với tấm bằng xếp loại khá. Như vậy, con đường phía trước chắc chắn sẽ rộng mở hơn. Em tin rằng, dù không lựa chọn được sinh ra, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn thái độ và cách sống của bản thân mình. Với em đó là trở thành người có ích đối với gia đình, có ích với xã hội. Em cũng mong những bạn bè kém may mắn như em sẽ luôn sống lạc quan, mạnh mẽ và hãy luôn tin vào ngày mai tươi sáng” - Phạm Thị Hoài Thương tâm sự.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()