Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:20 (GMT +7)
Ươm mầm tương lai từ những câu chuyện thi đua yêu nước
Thứ 7, 10/06/2023 | 07:54:52 [GMT +7] A A
Những câu chuyện hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kể lại với những cảm xúc hào hùng và tự hào qua trưng bày chuyên đề “Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh”, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện, tại số 25 Tông Đản, Hà Nội.
Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Người đã căn dặn: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất". Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Trải qua những chặng đường nối tiếp với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước phát triển theo một dòng chảy liên tục, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn bảy thập kỷ qua.
Trưng bày gồm hơn 200 tài liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu gồm 3 phần: Phần 1 “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua ái quốc”, Phần 2 “Thi đua là yêu nước - Yêu nước thì phải thi đua”, và Phần 3 “Khát vọng tuổi trẻ - Ươm những mầm xanh”.
Nội dung trưng bày phần một, trưng bày giới thiệu một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự các đại hội thi đua yêu nước; Đại hội các cấp, ngành; Sự quan tâm, động viên, khích lệ của Bác đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua ái quốc, các văn bản, thư, bút tích… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân phong trào thi đua ái quốc cùng với hình ảnh, nội dung 10 đại hội thi đua yêu nước.
Điểm đặc biệt của nội dung trưng bày này là scan bản gốc Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lời ghi chú rất cụ thể “Tài liệu tuyên truyền giải thích”, “Thi đua thế nào”. “Mục đích thi đua là gì: Giết giặc đói khổ, giết giặc dốt nát, giết giặc ngoại xâm. Cách làm là: dựa vào Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây Hạnh phúc của dân”.
Triển lãm cũng trưng bày một chiếc quạt giấy đặc biệt có liên quan đến phong trào thi đua yêu nước. Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 207-SL cử ông Hoàng Đạo Thúy - nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và Người trực tiếp gặp ông Hoàng Đạo Thúy để giao nhiệm vụ.
Trong buối gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Hoàng Đạo Thúy chiếc quạt giấy và căn dặn: “Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”. Sau 30 năm nâng niu, giữ gìn, chiếc quạt đã được ông Hoàng Đạo Thúy tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh vào ngày 27/9/1978.
Nội dung trưng bày thứ hai, người xem được thấy những phong trào thi đua yêu nước lan rộng mạnh mẽ ở khắp các địa phương, đơn vị, các ngành. Hậu phương thi đua, tiền tuyến thi đua.
Một số hiện vật tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước thời kỳ bấy giờ cũng đã được giới thiệu tại đây, như chiếc chậu men của đội nữ công trình 609, đơn vị anh hùng tham gia vét bùn lầy tại bến Thấp sông Đuống (Hà Nội) sau cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để nối lại giao thông ngày 22/8/1967, hay bộ quần áo của Mẹ Suốt, xã Trung Bính, huyện Bảo Ninh (Quảng Trị) dùng trong thời gian làm nhiệm vụ, năm 1965-1966...
Ngoài ra triển lãm cũng trưng bày hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn), hũ gạo nuôi quân của chị Vinh ở thôn Cổ Đô, Quốc Oai, Hà Tây (Hà Nội ngày nay) hưởng ứng phong trào “Hũ gạo cứu đói” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lọ hoa ghi bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Nhà máy sứ Hải Dương ngày 26/7/1962…
Cùng với những vật dụng sử dụng trong lao động sản xuất của một số anh hùng lao động thời kỳ này, triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, phụ nữ… khắp nơi hăng say lao động, nghĩ sáng kiến cải tiến sản xuất, ủng hộ phong trào thi đua yêu nước…
Trưng bày cũng giới thiệu các hình ảnh, tài liệu về các phong trào thi đua yêu nước nổi bật ở 3 miền bắc-trung-nam, hiện vật của các đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua qua hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đổi mới, một số hình ảnh nổi bật của các địa phương thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.
Nội dung trưng bày thứ 3, triển lãm giới thiệu tinh thần “Khát vọng - Tiên phong - Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo”, của thế hệ trẻ Việt Nam với các phong trào “Khoẻ để học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Nghìn việc tốt”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”… lan toả mạnh mẽ qua nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi; nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu của tuổi trẻ, vì tuổi trẻ.
Đặc biệt, phần 3 còn dành một không gian trải nghiệm “Ươm những mầm xanh” cho khách tham quan trải nghiệm làm các vật dụng, đồ dùng bằng sản phẩm tái chế và trồng cây.
Chia sẻ về ý nghĩa của Triển lãm, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, triển lãm này là một sự sáng tạo trong đưa những câu chuyện thi đua yêu nước từ trong lịch sử đến với người xem ngày nay. Triển lãm cho thấy được việc khơi dậy sức mạnh toàn dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, điều quan trọng nhất là huy động được sức mạnh toàn dân. Ở thời kỳ nào, việc thi đua cũng quan trọng, nhưng phải phù hợp với thời đại, đặc biệt là phù hợp với thế hệ trẻ, những người phát huy và nuôi dưỡng “tinh thần thi đua”.
Tại triển lãm ngày khai mạc, có rất nhiều nhóm học sinh, sinh viên vào tham quan, ghi chép. Câu chuyện của quá khứ được kể ở hiện tại, theo một cách kể hiện đại, mong rằng sẽ tiếp cận được tới những người trẻ hôm nay, những người sẽ là nhân tố chính của những phong trào thi đua yêu nước trong tương lai.
Trưng bày mở cửa từ ngày 9/6 đến ngày 9/8, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, số 25 Tông Đản, Hà Nội.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()