"Không thể uống rượu, ngậm rượu để sát khuẩn hay loại trừ virus vì sau khi nhiễm, nCoV đã ngấm vào trong tế bào cơ thể", PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay. Nồng độ cồn trong rượu cao sẽ gây tổn thương niêm mạc, các loại vi khuẩn và virus dễ tấn công tế bào.
Hiện thế giới chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rượu ngăn ngừa lây nhiễm, tiêu diệt nCoV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bác bỏ "tin sai lệch" cho rằng đồ uống có cồn, cụ thể là rượu ethyl và ethanol, giết chết được nCoV hoặc khiến cơ thể người miễn nhiễm với virus. Chưa kể, lạm dụng rượu còn gây hại sức khỏe, nhất là dạ dày, các bệnh tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh nặng khác.
Iran tháng 3/2020 ghi nhận 27 người tử vong do ngộ độc methanol sau khi uống quá nhiều rượu để chữa Covid-19.
Thay vì uống rượu, bác sĩ Đào khuyên súc miệng bằng nước muối nhạt, ấm và dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày để phòng chống lây nhiễm Covid-19. Có thể dùng nước muối pha, nước muối sinh lý 0,9% bán tại các nhà thuốc, để súc họng. Trong các loại nước súc họng thường có thành phần chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng như benzocaine, menthol, muối salicylate, hexetidine...
Súc miệng khi cảm thấy đau, rát, cộm, vướng, khó chịu ở vùng họng. Cách một giờ súc họng một lần hoặc khi vừa đi ngoài đường về, sau khi tiếp xúc với nguồn nguy cơ lây nhiễm cao.
Xông mũi họng bằng thảo dược có chứa tinh dầu như sả, gừng, chanh, bưởi, bạc hà... Trong quá trình xông nếu khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay.
Ý kiến ()