Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:29 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 7, 04/12/2021 | 09:23:13 [GMT +7] A A
Nhằm thực hiện chương trình xây dựng NTM, thu hẹp nhanh khoảng cách vùng miền, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ngay từ đầu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách làm tiền đề để phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN.
Năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể hóa nghị quyết, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo Nghị quyết, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã bố trí vốn dự toán ngân sách 200 tỷ đồng cho chương trình tổng thể phát triển KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS. Trong đó, 160 tỷ đồng phục vụ các dự án, công trình hạ tầng thiết yếu; 40 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh theo chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với nhân dân trên địa bàn 25 xã và 24 thôn vùng đồng bào DTTS.
Đáng chú ý, ngày 13/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã thôn, bản vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 4.200 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH, dự án phát triển sản xuất, dự án về thực hiện chính sách đảm bảo an sinh. Đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đồng bộ, hiện đại, liên thông; phát triển toàn diện y tế, GD&ĐT gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; giảm nghèo bền vững.
Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ có trọng điểm, trọng tâm, bền vững; ưu tiên bố trí vốn cho dự án, công trình thực sự cần thiết về giáo dục, y tế, công trình giao thông liên kết vùng, xã. Trước mắt, nguồn lực sẽ được tập trung cho các thôn đặc biệt khó khăn và xã, thôn mới ra khỏi đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ các xã hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tỉnh cũng sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư, không hỗ trợ cho địa phương tự cân đối ngân sách, đồng bộ các giải pháp về huy động vốn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong công tác quản lý, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS.
Các nguồn lực sẽ được tập trung để thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2022 trên địa vàn các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà không còn điểm ngập lụt, 100% trường, lớp được xây dựng kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Ngoài ra, 100% xã thuộc vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM. Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có kết cấu hạ tầng thiết yếu được đảm bảo; 100% người dân vùng đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình 135, giống như nhiều địa phương, toàn xã không còn là diện khó khăn và đặc biệt khó khăn (khu vực 2 và 3). Do đó, xã không còn được thụ hưởng một số chính sách của Trung ương dành cho khu vực đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo... Vì vậy, việc tỉnh luôn quan tâm, ban hành kịp thời các chính sách, bố trí vốn đầu tư sẽ là động lực rất lớn giúp các thôn, xã vừa thoát khỏi đặc biệt khó khăn có nguồn lực phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là giúp bà con tại khu vực này yên tâm phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()