Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:58 (GMT +7)
Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số
Thứ 4, 24/11/2021 | 06:48:22 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sức khỏe, tri thức, trình độ, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 45.700 học sinh người DTTS theo học ở 4 cấp học từ mầm non đến THPT; gần 2.570 cán bộ, giáo viên, nhân viên người DTTS. Để nhân lực vùng DTTS được phát triển toàn diện, nhất là về tri thức, UBND tỉnh và ngành GD&ĐT tỉnh đã thực hiện nhiều chế độ đối với giáo viên và học sinh khu vực này. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bố trí cán bộ, giáo viên có đủ năng lực cho các trường.
Thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí trên 19 tỷ đồng để sửa chữa trường, lớp, mua sắm các trang thiết bị dạy học và sinh hoạt bán trú, nội trú cho học sinh các trường, từng bước nâng cao chất lượng học tập của học sinh tại các địa bàn vùng khó khăn.
Hiện 100% phòng học tạm ở các xã vùng khó khăn của tỉnh được thay thế bằng phòng học kiên cố; hệ thống thiết bị dạy học thông minh từng bước được đầu tư. Cùng với đó là mở rộng các chính sách về hỗ trợ tiền ăn, học phí cho học sinh, phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ, giáo viên vùng DTTS, miền núi, biên giới…
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm thu hút đội ngũ bác sĩ có trình độ giỏi, chuyên môn cao về làm việc tại các cơ sở y tế, nhất là vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Trong đó, ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng các đối tượng thu hút, các đối tượng còn lại chuyển sang chế độ hợp đồng hoặc hợp đồng theo gói dịch vụ.
Hằng năm ngành y tế tỉnh cử hàng trăm cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế vùng miền núi, vùng DTTS tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến xã; thực hiện tốt công tác đào tạo từ xa; cử cán bộ tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới, duy trì các kênh phối hợp chia sẻ chuyên môn… Nhờ đó, chất lượng nhân lực về chăm sóc sức khỏe cho vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và phát triển thể chất của người dân khu vực này.
Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân vùng DTTS được tăng cường thông qua hàng loạt các chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế… Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, địa phương mở nhiều lớp dạy nghề lao động nông thôn, trong đó hướng đến các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ năm 2016 đến nay có 144.500 lao động người DTTS được giải quyết việc làm; trong đó có khoảng 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Các hoạt động tư vấn, kết nối tìm kiếm việc làm được duy trì, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Đến năm 2020, trên 60% người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm.
Nhờ triển khai đồng bộ các công tác trên, nguồn nhân lực các DTTS của tỉnh có bước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng DTTS, miền núi của tỉnh. Thu nhập bình quân khu vực này đạt gần 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,36%. An sinh xã hội được đảm bảo, tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()