Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:48 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực để đầu tư đột phá cho các huyện đảo
Thứ 4, 01/11/2023 | 19:04:25 [GMT +7] A A
Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển, đại biểu Quốc hội đề xuất cơ chế đặc thù để ưu tiên nguồn lực để đầu tư đột phá hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các huyện đảo.
Cần cơ chế đặc thù cho các huyện đảo
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho biết, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo. Đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng, giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác, điều phối, phân công rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở chuyên môn hóa cao, phù hợp với lợi thế so sánh của các địa phương, tiểu vùng. Đồng thời, các địa phương tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.
Bên cạnh kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, đại biểu đoàn Quảng Ngãi cho rằng, ngành du lịch biển với các sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao, đặc thù, đặc sắc theo từng khu vực, địa phương cần tiếp tục được chú trọng phát triển.
“Cần có cơ chế đặc thù để ưu tiên nguồn lực để đầu tư đột phá hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện đảo”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nói.
Hiện nay, kết cấu hạ tầng trên các huyện đảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Đại biểu cho rằng cần đầu tư đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối bờ, biển, đảo như cảng biển, sân bay, đường bộ, điện lưới thông tin liên lạc...
“Để làm được điều này, rất cần cơ chế đặc thù cho các huyện đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, gồm Trường Sa, Lý Sơn, Cồn Cỏ nói riêng và 12 huyện đảo của cả nước nói chung, để ưu tiên nguồn lực đầu tư. Bởi ngoài chức năng là một đơn vị hành chính, các huyện đảo còn liên quan đến vai trò là điểm xác lập đường cơ sở chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề xuất.
Đề xuất giao địa phương tự quyết mức học phí
Nêu thực tế, những ngày qua, dư luận xôn xao về việc lạm thu trong các trường học, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong việc miễn, giảm học phí cho học sinh; quy định rõ các khoản thu trong nhà trường, góp phần hạn chế tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, không phải địa phương nào cũng có cơ chế này và đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ xảy ra tình trạng ‘thắt chỗ này, phình chỗ kia’. “Chính sách ưu việt của việc miễn, giảm kéo dài thời gian tăng học phí sẽ không bù đắp nổi những khoản chi phí phát sinh mà phụ huynh phải gánh vác”, đại biểu nói.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định huy động để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh; qua đó, đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ quy định mức trần và giao địa phương tự quyết mức học phí cho phù hợp với mức sống, điều kiện cụ thể của từng địa phương để đảm bảo không bị lạm thu. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực giải quyết những khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách cho lĩnh vực giáo dục.
Quan tâm đến các giải pháp bảo vệ trẻ em, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đặt ra yêu cầu, kiềm chế và kéo giảm từ 5-7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình năm 2020 chiếm 5,55%, đến năm 2022 chiếm đến 7,5%.
Đáng chú ý, một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng lại chính do người thân, người có trách nhiệm chăm lo, chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ em gây ra. Tình trạng đau lòng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các ngành, cấp tập trung quan tâm nhiều hơn cho vấn đề này.
Theo báo cáo của Chính phủ, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự phối hợp thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em có mặt chưa hiệu quả. Kinh phí dành cho công tác trẻ em ở một số chương trình, đề án của địa phương chưa được quan tâm đúng mức...
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề xuất Quốc hội và Chính phủ tăng cường chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn lực, chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó là nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức, nhất là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()