Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:50 (GMT +7)
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với tỉnh Quảng Ninh
Thứ 3, 28/03/2023 | 18:42:00 [GMT +7] A A
* “Quảng Ninh đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao được hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”
Ngày 28/3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
“Quảng Ninh đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao được hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” - đây là nhấn mạnh của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vào ngày 28/3.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12 về triển khai thực hiện Chỉ thị. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2019 và nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, như Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, chỉ đạo đến năm 2025… góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 46,2% năm 2010 lên 55% năm 2022; bảo vệ, duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên từ năm 2017 đến nay.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý. Trong 5 năm qua, chất lượng rừng không ngừng được nâng cao, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước; trồng trên 3.800 ha rừng thay thế bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa, cây ngập mặn; trồng mới và trồng bổ sung 560 ha rừng ngập mặn thông qua dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trên 1.718 ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 337 ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh.
Thực hiện chủ trương ngành Than “xanh hóa” hoạt động sản xuất, trong 5 năm qua, ngành Than đã thực hiện 36 dự án khai thác khoáng sản có chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích là 376,95 ha; toàn bộ diện tích chuyển đổi là rừng trồng, không có rừng tự nhiên. Tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của ngành Than tại Quảng Ninh là hơn 1.500 ha.
Tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương. Đối với các khu vực nơi có các dự án đi qua như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Cầu Cửa Lục 1, 3… bên cạnh việc tăng cường sử dụng các cầu cạn đối với các khu vực có rừng ngập mặn, tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương bảo vệ nghiêm ngặt dải cây xanh và hệ sinh thái rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn; trong quá trình thi công thực hiện nghiêm các biện pháp giảm thiểu, hạn chế tối đa các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan rừng, biển…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; việc kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý về rừng tại địa phương, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; công tác cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng; các chính sách phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số... thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hóa; Không thu hút đầu tư bằng mọi giá; không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, luôn coi bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng. Mục tiêu là Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế dưới tán rừng; nâng cao chất lượng đời sống của người làm nghề rừng; Giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có và nâng cao chất lượng rừng; trữ lượng rừng. Phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ và phát triển rừng; người dân là chủ thể bảo vệ rừng, chủ thể kinh tế dưới tán rừng.
Một số mô hình tỉnh tiếp tục thực hiện là trồng mới, phục hồi, tái sinh các khu rừng tự nhiên; Quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn diện tích rừng là nguồn sinh thủy của các hồ, đập, bảo đảm an ninh nguồn nước; Trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và phát triển kinh tế dưới tán rừng; Kết hợp giữa phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững với dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra giá trị kinh tế cao nhất; Quản lý chặt chẽ đất bãi triều, diện tích rừng ngập mặn; không chuyển mục đích sử dụng bãi triều, rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác gây nguy cơ suy thoái, hủy hoại rừng ngập mặn và ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của cộng đồng. Khuyến khích phát triển mô hinh nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với bảo vệ rừng ngập mặn; Mô hình kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ với nông - lâm nghiệp - thủy sản; Gắn kinh tế lâm nghiệp với kinh tế biển, đô thị - nông thôn, vùng thấp - vùng cao.
Qua đi khảo sát một số mô hình bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn TP Hạ Long và nghe báo cáo của tỉnh, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quan trọng và nổi bật mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong công tác phát triển và quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là việc tổ chức triển khai đồng bộ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho người dân; việc ứng dựng tiến bộ KHKT vào bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả; chăm lo cho sinh kế của người dân trong phát triển kinh tế rừng; có nhiều cơ chế, chính sách tạo bước đột phá trong sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu…
Đồng chí đánh giá: Quảng Ninh đi đầu trong cả nước để triển khai thực hiện Chỉ thị 13 và là tỉnh đầu tiên Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững, cùng một khối lượng lớn các văn bản có liên quan tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trở thành thành tố hữu cơ phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Rừng gắn chặt với tiềm năng lợi thế cũng như yêu cầu phát triển của địa phương. Quảng Ninh bên cạnh sự chủ động đi đầu với thể hiện tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, đã có kế hoạch triển khai thực hiện theo hệ thống xuyên suốt, đưa ra được các kinh nghiệm trong quản lý và bảo vệ phát triển rừng. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng để giúp Ban chỉ đạo có cái nhìn sâu sắc, đánh giá toàn diện trước khi tham mưu sơ kết cho Trung ương xem xét ban hành chỉ thị, nghị quyết mới.
Đồng tình với các bài học kinh nghiệm cùng những định hướng sắp tới mà tỉnh đề ra, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị: Tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quản lý phát triển, bảo vệ rừng; đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa quy hoạch KTXH với các quy hoạch về lâm nghiệp trên địa bàn; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn về cơ sở chính sách thông qua quá trình rà soát thường xuyên các quy định để giúp cho các doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; Tập trung thực hiện các giải pháp căn cơ để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp và phát triển rừng bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế rừng trồng gỗ bản địa, các loại cây bản địa phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội tạo việc làm bền vững cho người dân sống ở khu vực có rừng thông qua đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động, tạo sinh kế. Nghiên cứu giải pháp căn cơ, đồng bộ trong phát triển kinh tế rừng, kinh tế biển.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, đồng chí chỉ đạo thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập tiếp thu, nghiên cứu kỹ để giúp Ban chỉ đạo có tham mưu chính xác, toàn diện cho Trung ương.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()