Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:10 (GMT +7)
Vắc xin - Vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19
Thứ 2, 05/07/2021 | 08:30:52 [GMT +7] A A
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, vắc-xin là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%-85% sẽ giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh. Cùng với 13 địa phương đầu tiên trong cả nước, từ tháng 3/2021, Quảng Ninh bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin với phương án, quy trình tối ưu nhất. Toàn tỉnh đã có trên 1.400 cán bộ y tế được đào tạo lại về tiêm vắc xin phòng Covid-19; 96 tổ cấp cứu với gần 300 y, bác sĩ sẵn sàng tham gia công tác tiêm chủng. Ngoài ra, trong điều kiện cần thiết có thể huy động thêm lực lượng để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Trong đợt 1 và 2, Quảng Ninh đã hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 (có tên là AstraZeneca) an toàn cho 17.453 người là cán bộ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Với vắc-xin AstraZeneca được phân bổ đợt 3 và 4, Quảng Ninh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ 20/6 đến 15/8; dự kiến toàn tỉnh sẽ tiêm 21.100 liều vắc xin, trong đó có 4.556 đối tượng tiêm mũi 2 (đợt 1) là các y, bác sĩ tại các đơn vị y tế trong tỉnh. Đối tượng tiêm chủng cũng được mở rộng hơn tới những nhân viên công vụ làm việc tại các vị trí có tiếp xúc rộng như người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, giáo viên…
Trong đợt 3, từ ngày 15/6 đến 1/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 1.400 người. Tất cả các quy trình thực hiện công tác tiêm chủng được Bệnh viện tiến hành bài bản, đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế với 7 bước, trong đó đặc biệt chú trọng khám sàng lọc, chỉ định tiêm và theo dõi sau tiêm. Những người được tiêm vắc xin cần khai báo trung thực về tiền sử, bệnh sử của bản thân, tình trạng sức khỏe hiện tại. Theo dõi sức khoẻ nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường sau tiêm và đến ngay các cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bác sĩ Phạm Quang Huy, phụ trách công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho công tác tiêm chủng, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ tại điểm tiêm chủng, đảm bảo đúng theo hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế; bố trí nhân lực đủ điều kiện khám sàng lọc, sẵn sàng các phương án khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, như: phản vệ, tai biến, biến chứng khác trong và sau tiêm. Đội ngũ nhân viên thực hiện tiêm vắc xin được tập huấn, cập nhật các kiến thức liên quan đến quá trình tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản vắc xin, thực hiện tiêm chủng theo đúng quy trình.
Là những người đầu tiên hoàn thành đủ 2 mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Trung tá Lê Quang Chiểu, Chính trị viên Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: Với việc hoàn thành tiêm phòng vắc-xin Covid-19 giúp chúng tôi bảo đảm sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là kịp thời ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, không để mầm bệnh lây lan từ nước ngoài vào trong nước. Tôi cũng mong muốn sớm có thêm vắc-xin để tất cả người dân được tiêm phòng, đẩy lùi dịch bệnh.
Qua 3 đợt triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, Quảng Ninh đã có những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các đợt tiêm chủng tiếp theo trên diện rộng, hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 100% các đối tượng đủ điều kiện trên địa bàn.
Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Khi đã được tiêm chủng, vắc xin giúp hệ miễn dịch tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch của cơ thể ứng phó với một số bệnh cụ thể. Nếu trong cộng đồng có đủ số người được tiêm chủng một bệnh nào đó, thì cộng đồng đó có thể đạt tới mức độ miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng tạo ra một tầng bảo vệ chống lại bệnh cho cả những người chưa được tiêm chủng, như trẻ sơ sinh.
Vắc xin phòng Covid-19 bảo vệ để phòng tránh bệnh cho bạn và những người mà bạn tiếp xúc trong giao tiếp hàng ngày cũng được bảo vệ. Như vậy, vắc xin không chỉ đem lại lợi ích cho người được tiêm mà cả trong cộng đồng. Nếu như mọi người được tiêm vắc xin đồng loạt với tỷ lệ 70-85% thì người dân trong cộng đồng ấy được bảo vệ. Đó là lý do tại sao mọi người nên nhanh chóng đi tiêm vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 ở nước ta hiện nay.
Khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19, cũng như bất cứ một loại thuốc nào, nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như sốt, mệt mỏi, đau... Các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh Covid-19.
Người dân chỉ nên đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở các cơ sở y tế được phép tiêm vắc xin. Không nên hoang mang trước những thông tin không được kiểm chứng về vắc xin và cảnh giác đối với các vắc xin giả, không rõ nguồn gốc đã xuất hiện trên thị trường.
Nguyễn Hoa
- 10 việc cần làm và cần tránh trước khi tiêm vắc xin COVID-19
- Từ 1/7 thí điểm cách ly 7 ngày tại Quảng Ninh với người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc xin COVID-19
- Tăng tốc, hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax trong tháng 8/2021
- Hiểu thế nào về tác dụng phụ vắc xin COVID-19?
- Vắc xin AstraZeneca và Pfizer giảm tỉ lệ nhập viện do biến thể Delta đến 90%
Liên kết website
Ý kiến ()