Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:24 (GMT +7)
Vấn đề của ca sĩ Việt
Thứ 6, 05/08/2022 | 08:47:16 [GMT +7] A A
Ca sĩ liên tục giới thiệu dự án mới trong năm nay, nhưng không phải sản phẩm nào cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Sau thời gian trầm lắng vì Covid-19, cuộc đua nhạc Việt dần lấy lại đà và sôi động trở lại. Không hẹn mà gặp, hàng loạt tên tuổi lớn của Vpop đồng loạt ra mắt sản phẩm trong năm nay.
Dù có ca khúc trở thành hit, mặt bằng chung thị trường vẫn chưa thể bật lên so với những năm trước.
Đồng loạt trở lại nhưng thiếu bùng nổ
Tóc Tiên hát nhạc do Hoàng Touliver sản xuất vốn chẳng phải điều lạ. Nhưng 1 cọng tóc mai vẫn là dự án gây tò mò. Đơn giản vì đây là cú bắt tay đầu tiên của hai vợ chồng sau khi cưới. Chưa kể, năm ngoái Tóc Tiên vừa dịu dàng hát pop ballad trong EP Yêu rồi yêu rồi yêu, nay lại tiếp tục “quậy” tưng bừng với EDM.
Đáng tiếc, sản phẩm của “cặp đôi vàng” Vpop chưa thể tạo sự bùng nổ như nhiều người mong đợi.
Về cơ bản, Tóc Tiên vẫn trung thành với phong cách có phần nổi loạn được xây dựng qua loạt ca khúc như Big Girls Don't Cry (2016), Walk Away (2017), Không ai hơn em đâu anh (2019)… Nhưng bài lại thiếu một đoạn hook hay drop có khả năng “thổi tung” người nghe như Ngày mai (2015).
Sau hơn một tháng phát hành, MV hiện dừng chân tại con số 5,2 triệu lượt xem. Đây là thành tích khó tự hào, nhất là với hai cái tên lớn như vợ chồng Tóc Tiên.
Nổi tiếng là nhà sản xuất “mát tay”, nắm bắt tốt thị hiếu khán giả nhưng Hoàng Touliver không tránh khỏi thất bại liên tiếp. Trước đó, Kính Vạn Hoa – MV tái hợp giữa anh và Tiên Tiên – gần như chìm vào quên lãng, chưa thành hit như Em không thể (2018).
Tương tự, Don't Break My Heart không được khán giả đón nhận nồng nhiệt dù là dự án tái xuất của BinZ sau BigCityBoi (2020). Đa số ý kiến cho rằng giọng rapper là điểm yếu, kéo phần âm nhạc sôi động của Hoàng Touliver đi xuống. Ngay cả khi được đầu tư tiền tỷ, MV chưa thể tái lập thành tích của sản phẩm tiền nhiệm, hiện dừng ở mức khiêm tốn với 12 triệu lượt xem.
Trong các nhóm nhạc, Da LAB là cái tên chịu khó ra mắt sản phẩm, từ MV SKYLINE (hợp tác Rhymastic) đến dự án cá nhân của các thành viên như JGKiD (Trò chơi thua cuộc) hay Emcee L (Mặt trời khóc). Nhưng tất cả đều chưa thể cán mốc 1,5 triệu lượt xem.
Gần nhất, MV Chạy khỏi thế giới này (hợp tác Phương Ly) hiện dừng ở mức hơn 6,2 triệu lượt xem sau một tháng, kém hẳn so với lần hợp tác Tóc Tiên (Nước mắt em lau bằng tình yêu mới) hay Miu Lê (Gác lại âu lo).
Ngoài ra, sự trở lại của Đen Vâu (Đi trong mùa hè), Sơn Tùng M-TP (There's No One At All) hay Đông Nhi (Đôi mi em đang u sầu) lại bị scandal lấn lướt. Phần lớn khán giả chỉ nhắc đến ồn ào của các sản phẩm, thay vì tập trung cho chuyên môn, chất lượng.
Lặp lại chính mình
Sau dự án Người ơi người ở đừng về, Đức Phúc quyết định về với pop ballad qua Ngày đầu tiên. Sau khi ra mắt, MV nhanh chóng được khán giả đón nhận, phần vì được giới thiệu đúng dịp Valentine, phần vì đây vốn là sở trưởng của Đức Phúc.
Điểm trừ lớn là ca khúc thiếu sự mới lạ. Từ nội dung đến bản phối không tạo được nhiều bất ngờ so với lần trước khi ca sĩ “đổi gió”, kết hợp rapper Suboi và nhóm sản xuất DTAP.
Nhìn chung, sáng tác của Khắc Hưng không mang tính thử thách Đức Phúc. Màu sắc âm nhạc quen thuộc, gợi nhớ loạt ca khúc gắn liền tên tuổi quán quân Giọng hát Việt như Ánh nắng của anh, Yêu được không, Hơn cả yêu…
Cùng hướng đi với Đức Phúc không ai khác ngoài “bạn thân” Erik. Đầu năm nay, anh lần lượt phát hành hai ca khúc khá thành công: Chạy về khóc với anh và Đau nhất là lặng im.
Cả hai có điểm chung là đều được phối theo phong cách Pop Ballad – thứ Erik theo đuổi từ khi mới vào nghề.
Trong đó, Chạy về khóc với anh - Nguyễn Phúc Thiện sáng tác – vướng phải nghi án đạo nhạc. Nhiều khán giả nhận xét ca khúc khá giống bài Sứ thanh hoa (Blue and White Porcelain) của Châu Kiệt Luân phát hành năm 2007, đặc biệt là giai điệu phần điệp khúc và cách sử dụng đàn tranh ở đoạn đầu.
Đau nhất là lặng im lại được Erik cùng nhóm tác giả viết lại lời dựa trên sáng tác của Quang Hung Masterd. Cấu trúc bài hát không đổi khi mở đầu nhẹ nhàng, cuối bài đẩy mạnh kịch tính bằng những nốt cao, nhường không gian để ca sĩ khoe giọng hát.
Điểm trừ là lối hát của Erik khá cũ, thiên về sử dụng giọng mũi (nasal voice) nên không khác nhiều các ca khúc Pop Ballad trước nay anh hát.
Giống Erik và Đức Phúc, Văn Mai Hương cũng là một trong những ca sĩ rất chuộng Pop Ballad. Tuy nhiên, cô lại thua thiệt hai đàn em trong khả năng tạo hit.
Là dự án lớn đầu tiên Văn Mai Hương giới thiệu trong năm nay, Một ngàn nỗi đau được đầu tư hoành tráng với sự góp sức của “hit-maker” Hứa Kim Tuyền và đạo diễn MV “triệu view” Kawaii Tuấn Anh. Song, hiệu ứng của MV không tốt, sau hơn một tháng chỉ đạt hơn 6,1 triệu lượt xem.
Tạm bỏ qua MV, Văn Mai Hương gần như “đóng đinh” với hình ảnh “cô gái thất tình” trong sáng tác của Hứa Kim Tuyền.
Nội dung ca khúc bắt đầu khi nhân vật ngồi nhớ lại những kỷ niệm về người cũ, vừa đau đớn vừa xót xa. Bản phối an toàn với tiếng piano rải đều xuyên suốt trong khi Văn Mai Hương chọn lối hát nức nở, nắn nót từng nốt nhạc.
Tất cả khiến ca khúc như một bài hát bị bỏ sót từ Hương (2021) – album phòng thu thứ ba của nữ ca sĩ.
Gen Z chưa bứt phá
“Gen Z” là cụm từ thường được nhắc đến suốt những năm qua như tia hy vọng mới cho làng Việt. Năm nay, các nghệ sĩ trẻ thuộc lứa Gen Z vẫn hoạt động chăm chỉ nhưng chưa tạo dấu ấn mạnh mẽ như trước.
Hoàng Duyên là một trong số đó. Cô liên tiếp thực hiện nhiều MV nhưng không tạo được tiếng vang. Dù hát ca khúc tự viết (Mê) hay sáng tác của Hứa Kim Tuyền (Em sẽ báo công an), ca sĩ sinh năm 1999 đều lại lặp hình ảnh chính mình trong bản hit Chàng trai sơ mi hồng (2021).
Xét về nội dung, cả hai bài đều vẽ nên hình ảnh một cô nàng mê trai đẹp, bị hớp hồn ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhân vật sẵn sàng trao trọn con tim cho chàng trai, thậm chí chủ động theo đuổi.
Cách hát của Hoàng Duyên lại không mới, có hơi hướm Erik vì lạm dụng giọng mũi. Đây là điểm trừ khiến khán giả thường chê bai ca sĩ, cho rằng cô hát không rõ lời. Nhưng có lẽ Hoàng Duyên đang muốn bỏ qua ý kiến khán giả, tiếp tục theo đuổi lối hát sai kỹ thuật để xây dựng phong cách riêng.
Một cái tên khác thuộc “trường phái” giọng mũi là Amee. Nữ ca sĩ gây chú ý với hai ca khúc mang màu sắc quảng cáo là Thay mọi cô gái yêu anh và Shay nắng. Trong đó, ca khúc thứ hai trở thành tâm điểm chỉ trích của khán giả, từ việc đặt tên cho đến cách xử lý của người hát.
Đa phần nhận xét chê bai Amee vì lối hát điệu đà, nũng nịu đặc trưng. Nhiều chỗ bị dính mũi, bí hơi, tạo cho người nghe cảm giác khó chịu. Tệ hơn, các ý kiến cho rằng cô hát không rõ lời. “Nghe hát tiếng Việt mà phải bật phụ đề” là một trong những bình luận tiêu cực dành cho nữ ca sĩ.
Juky San - chủ nhân bản hit Phải chăng em đã yêu - cũng không khá khẩm hơn. Phát hành đầu tháng 1, ca khúc Khóc cười hoàn toàn mất tích trên các bảng xếp hạng, đến nay vẫn chưa vượt mốc 1 triệu lượt xem, khiến ta không biết nên khóc hay nên cười?
So với các đồng nghiệp nữ, Wren Evans có nhiều sáng tạo hơn trong lối hát, phong cách sáng tác lẫn hòa âm phối khí. Điều đó thể hiện rõ trong hai MV Gặp may và Cơn đau. Tuy nhiên, các sản phẩm của anh chưa tạo được hiệu ứng tốt như trước. Độ phủ sóng và lượt xem đều kém xa bản hit Thích em hơi nhiều (2021).
Ăn theo phim điện ảnh Em và Trịnh, dự án Gen Z và Trịnh ít nhiều tạo được sự chú ý nhất định nhưng khó thể gọi là thành công. Các ca khúc đều dừng lại với thành tích khiêm tốn, cao nhất hiện tại là Nhìn những mùa thu đi (Mỹ Anh) với hơn 750.000 lượt xem.
“Cơn khát” album
Năm ngoái, khán giả yêu nhạc Việt được thưởng thức hàng loạt album thì năm nay thị trường khá nhỏ giọt, hoàn toàn nhường chỗ cho MV. Không chỉ thua thiệt về số lượng, các album phát hành cũng không được khán giả chào đón như trước.
Đầu năm, Tạ Quang Thắng bất ngờ trở lại với album Country Rock nhưng ít người biết đến. Thất bại xuất phát từ việc ca sĩ vắng bóng quá lâu, sau nhiều năm anh vẫn làm nhạc cho bản thân hơn là chiều chuộng thị trường.
Dù là tân binh, GiGi Hương Giang cũng khá "chịu chơi" khi đầu tư album đầu tay Du hành vào tâm trí. Đáng tiếc, album không thực sự nổi bật, chưa có bài hit. Thậm chí, đến nay nhiều người vẫn chẳng biết GiGi Hương Giang là ai.
Trong khi đó, album Colours của Hứa Kim Tuyền dung hòa được tính cá nhân lẫn thị hiếu khán giả. Dự án có khá nhiều điểm cộng, quy tụ các giọng ca nổi tiếng từ gạo cội như Cẩm Vân đến trẻ trung như Orange, Amee... Nhưng kết quả vẫn ở mức trung bình, chưa chinh phục được đại chúng.
So với các dự án trên, sự thất bại của Min với 50/50 mới thực sự khó lý giải.
Đầu tháng 3, nữ ca sĩ ra mắt album đầu tay sau hơn 8 năm ca hát nhưng gần như bị khán giả phớt lờ. Vốn là ca sĩ gắn liền với hàng loạt bản hit, nhiều MV “triệu view”, tên tuổi của Min lại không thể giúp album nổi trội trên thị trường.
Sản phẩm không được đón nhận rầm rộ, lặng lẽ ra mắt rồi cũng mất hút, ít được ai nhắc đến. Ngoại trừ MV Cà phê, đến nay Min vẫn hoàn toàn im ắng, chưa hề ra mắt bất kỳ MV mới để quảng bá dự án.
Từ thất bại của “phù thủy tạo hit” Touliver hay loạt ca sĩ Gen Z, đến sự quay lưng với album cho thấy thị hiếu khán giả đang dần thay đổi, ngày càng khó đoán hơn trước. Vẫn có một số nghệ sĩ giữ được phong độ như Hoàng Thùy Linh, Trúc Nhân, Miu Lê nhưng điều đó không nói lên tất cả.
Sắp tới, điều người yêu nhạc Việt có thể mong chờ là một “cú nổ” bất ngờ vào nửa cuối năm.
Liệu đó sẽ là Hoàng Thùy Linh album thứ tư chưa công bố tên, hay Phùng Khánh Linh với album thứ hai Citopia?
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()