Tất cả chuyên mục

Thành lập cuối năm 2024, Chi hội Nuôi biển Vân Đồn tích cực kết nối, hợp tác, tạo ra chuỗi liên kết bền vững trong lĩnh vực nuôi biển, góp phần tạo nên giá trị cao, phát triển an toàn, bền vững cho ngành nuôi biển Vân Đồn nói riêng và của tỉnh nói chung.
Chi hội Nuôi biển Vân Đồn (Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam) gồm 21 thành viên, là đại diện cho các công ty, HTX về nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn. Chi hội đặt mục tiêu hoạt động: Tập hợp các doanh nghiệp, HTX, hộ ngư dân là hội viên của hiệp hội tại địa phương nhằm đoàn kết, kết nối, chia sẻ thông tin công nghệ và thị trường; phối hợp với chính quyền tạo chuỗi liên kết bền vững trong ngành nuôi hải sản; gia tăng lợi nhuận và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các thành viên, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển của huyện Vân Đồn.
Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn, nuôi biển tại Vân Đồn vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng đang phải đối diện với nhiều thách thức từ thiên tai, dịch bệnh. Trước đây, do hoạt động đơn lẻ với quy mô nhỏ nên hiệu quả nuôi trồng chưa cao, hay phát sinh dịch bệnh. Việc thành lập chi hội và tham gia vào Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, giúp các công ty, HTX, các hộ nuôi được đào tạo, học tập, ứng dụng các công nghệ cao trong nuôi trồng, chế biến; giúp giảm thiểu các rủi ro do dịch bệnh, kiểm soát và nâng cao chất lượng nuôi trồng.
Mới đây, Chi hội tổ chức hội thảo nhằm phân tích ưu và nhược điểm của 2 mô hình nuôi xen canh rong sụn - hàu và nuôi hàu bằng lồng hàu rời. Hiện ở Quảng Ninh có 3 phương pháp nuôi chủ yếu là nuôi hàu bằng phao nổi, bằng bè tre và nuôi hàu trên giàn. Trong đó, nuôi bằng phao nổi và nuôi bằng bè tre có chi phí đầu tư thấp, nhưng chất lượng hàu nuôi không đồng đều, hình dáng con hàu không đẹp, tỷ lệ hàu thịt thấp. Với giải pháp nuôi bằng hệ thống lồng nuôi rời do một đơn vị của Australia sản xuất, nâng cao được giá trị con hàu, đạt được các tiêu chí xuất khẩu, giảm được chi phí nuôi trồng. Hệ thống lồng dễ lắp đặt, thả giống và thu hoạch hàu; giảm chi phí nhân công; con hàu có hình dáng đẹp, sạch, ít bị ký sinh; tỷ lệ thịt hàu thu hồi cao và hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Còn với mô hình nuôi xen canh rong sụn - hàu, bà con đang nuôi hàu sẵn rất dễ triển khai vì chỉ cần đầu tư nuôi xen canh quy mô nhỏ nhưng lại theo hướng công nghiệp do rong biển tăng trưởng rất nhanh. Rong cung cấp vi sinh cho hàu tăng trưởng tốt hơn, đồng thời cũng hấp thụ được chất dinh dưỡng dư thừa từ nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng Ban học tập Chi hội Nuôi biển Vân Đồn, chia sẻ: Với 5ha nuôi rong xen canh hàu, một năm thu hoạch được 100 tấn rong và trên 200 tấn hàu, thu về khoảng 5 tỷ đồng cả rong và hàu. Trung bình người nuôi có lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/năm. Qua triển khai thử nghiệm, tôi đánh giá đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản. Chi hội luôn mong các thành viên, cũng như các HTX nuôi biển phải thay đổi tư duy nuôi, tiếp cận những công nghệ mới, làm từng bước để phát triển vùng nuôi.
Ông Trần Văn Đắc, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Quyết Tiến, cho biết: Sau khi tham gia các hội thảo và được tiếp cận, hiểu rõ ưu nhược điểm của các công nghệ nuôi trồng mới, tôi thấy rất yên tâm và sẽ triển khai thử nghiệm mô hình phù hợp trên khu vực nuôi của HTX. Sự đồng hành của chính quyền, đoàn thể, chi hội nghề nghiệp là động lực để các HTX nhanh chóng phục hồi sau bão số 3/2024, hướng tới mục tiêu có thể xuất khẩu.
Để tăng cường kết nối giữa các mắt xích trong hoạt động nuôi biển từ con giống, thức ăn, thuốc thú y đến chế biến và tiêu thụ, Chi hội Nuôi biển Vân Đồn chủ động tham gia chuỗi liên kết nuôi cá biển G7. 6 thành viên còn lại trong chuỗi liên kết gồm các đơn vị về nghiên cứu bệnh học, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật; cung cấp thuốc phòng và trị bệnh tôm cá; cung cấp vật tư nuôi biển như lưới, phao, dây thừng HDPE; cung cấp giống, tiêu thụ và chế biến cá thành phẩm; cung cấp thức ăn cá biển và hỗ trợ dịch vụ dinh dưỡng…
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nhận định: Sự ra mắt của chuỗi liên kết là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nuôi biển theo hướng bền vững, góp phần triển khai thành công các giải pháp của Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên, cùng với chính sách hỗ trợ đồng bộ từ phía cơ quan quản lý để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế biển xanh, tối ưu hóa chuỗi giá trị từ nghiên cứu, kỹ thuật đến thương mại và phân phối. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho kinh tế địa phương và ngành thủy sản Việt Nam.
Ý kiến ()