Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 01:51 (GMT +7)
Văn hóa công sở
Chủ nhật, 12/08/2012 | 05:08:58 [GMT +7] A A
Có lẽ chưa bao giờ văn hoá công sở lại được bàn luận nhiều như bây giờ. Cũng phải thôi, bởi cùng với việc đề cao tính chuyên nghiệp, hiện đại trong các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội v.v.. thì một trong những biểu hiện và cũng là một trong những yêu cầu đảm bảo cho nó, chính là hành vi văn hoá, văn minh trong giao tiếp; mà trước hết là trong giao tiếp nơi công sở…
Vậy văn hoá công sở là gì và như thế nào thì được coi là hành vi văn hoá ở nơi công sở? Với các chuyên gia, đây có thể là một đề tài nghiên cứu chuyên sâu, cần một trình độ kiến thức đến mức độ nào đó mới làm rõ được; nhưng ở góc độ “phổ thông”, có thể nói từ một vị cán bộ chủ chốt đến anh nhân viên hành chính, bảo vệ v.v.. ở bất cứ công sở nào, thì câu trả lời cũng không mấy khó khăn; ai cũng có thể nhận thức được đâu là hành vi văn hoá và đâu là hành vi thiếu văn hoá nơi công sở…
Nhưng tại sao vẫn có tình trạng “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”? Tại sao ở các công sở vẫn diễn ra những hành vi thiếu văn hoá, văn minh?
Ai cũng biết hành vi giao tiếp tuỳ tiện, không mang tính chuyên nghiệp là thói quen được hình thành từ lề lối làm ăn manh mún, sản xuất nhỏ từ bao đời nay để lại. Cái thói quen ấy dường như đã in đậm vào tâm thức mọi người; nó trở thành một “phản xạ có điều kiện”… Một anh công chức đến công sở vẫn đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch; thậm chí trước khi đi làm còn tranh thủ “vài, ba chén” mới ngất ngưởng vào cơ quan. Một chị văn thư ngồi “buôn dưa lê” bằng “điện thoại chùa”. Một ông sếp nói năng với nhân viên theo giọng kẻ cả, cha chú, “mày tao chi tớ” v.v.. Đó là những biểu hiện thiếu văn hoá nơi công sở. Nhưng cách đây mấy chục năm, nó “chẳng là gì cả”; thậm chí ở một góc độ nào đó, còn được coi là gần gũi, hoà đồng, có “tính quần chúng”(!). Nó cũng giống như sự tuỳ hứng, không chấp hành quy định khi tham gia giao thông vậy. Đó là thói quen được hình thành từ cái thời “một mình một đường”, chẳng phải tránh ai khi xưa vậy!
Và một khi muốn thay đổi một thói quen, việc tuyên truyền, giáo dục chỉ là một mặt. Mặt quan trọng hơn là cần có những quy định cụ thể, kèm theo những chế tài xử lý thật nghiêm minh, sâu sát. Một hành vi vi phạm an toàn giao thông nếu chỉ tuyên truyền suông thì chẳng mang lại nhiều hiệu quả. Cần phải xử lý bằng biện pháp hành chính, như phạt tiền, giữ phương tiện tham gia giao thông v.v.. Thực tế cho thấy khi cơ quan chức năng làm nghiêm thì tình trạng vi phạm an toàn giao thông cũng giảm đi rất nhiều. Vậy thì với văn hoá công sở, thiết nghĩ cũng cần phải theo hướng đó! Nếu ở các công sở có nội quy quy định cụ thể những điều phải tuân theo trong giao tiếp hàng ngày và kèm theo đó, có sự kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý các vi phạm thật nghiêm túc, ắt hẳn cái gọi là hành vi thiếu văn hoá sẽ dần bị đào thải…
Được biết, mới đây trong một cuộc họp của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc cho hay rằng sắp tới tỉnh sẽ có quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia vào buổi sáng và buổi trưa những ngày làm việc tại cơ quan. Điều này là rất cần thiết nhằm xây dựng môi trường văn hoá, văn minh nơi công sở. Tuy nhiên, văn hoá công sở không chỉ có chuyện không uống rượu, bia… mà còn nhiều biểu hiện khác nữa. Và vì thế, cùng với đó, thiết nghĩ cần có một quy định đầy đủ hơn, bao quát hơn mà mọi cán bộ, công chức khi đến công sở đều phải tuân theo; thậm chí kể cả những việc nhỏ nhất như ngôn ngữ, cách xưng hô giữa cán bộ, nhân viên tại công sở, việc tiếp khách quen, khách lạ trong giờ làm việc v.v.. Nếu đã có quy định cụ thể thì chắc chắn thói quen tuỳ tiện sẽ dần phải thay đổi.
Tất nhiên, cái mới thường ban đầu rất khó “thích nghi”. Nhưng một khi nó đã được chấp nhận thì đến lúc nào đó nó sẽ trở thành “phản xạ có điều kiện”, sẽ thành thói quen. Và đó là thói quen tốt, thói quen ứng xử có văn hoá nơi công sở!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()