Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:57 (GMT +7)
Văn hóa đội mũ bảo hiểm
Thứ 5, 31/12/2015 | 11:32:24 [GMT +7] A A
“Hãy đội mũ bảo hiểm trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn!”. Lời cảnh báo này hẳn bạn đã bắt gặp đâu đó trên đường nhưng xin đừng vội quên, hãy suy ngẫm thật kỹ và chấp hành thật đúng.
Chuyện bạn Hồng Anh lớp tôi chính là một minh chứng sống. Buổi chiều chủ nhật đầu tháng 7 năm 2015, Hồng Anh chở Kiều Oanh trên chiếc xe đạp điện của mình ngang qua cổng trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) thì xảy ra va chạm với chiếc xe ô tô 7 chỗ. Kiều Oanh thì chỉ bị xây xước nhẹ, Hồng Anh thì bị xe ô tô cán qua người làm dập ổ bụng. Ngay sau đó, bạn đã được đi cấp cứu kịp thời. Rất may họ đều đội mũ bảo hiểm nên không bị chấn thương phần đầu, sau khi nhập viện được cứu chữa, đầu năm học mới, Hồng Oanh đã đi học bình thường. Tôi nhớ mãi câu nói của Oanh khi lớp chúng tôi vào viện thăm bạn: “Tớ còn gặp lại các cậu là may mắn nhờ có MBH. Đừng nói không với nó khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện”. Lời của Hồng Oanh và câu chuyện của bạn chính là bài học cảnh tỉnh cho chúng tôi về việc đội MBH. Vậy mà khi đi trên đường, chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh nhiều người, nhất là thanh thiếu niên không đội MBH.
Nguyễn Tiến Sơn, HS lớp 11B9, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) đoạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2014. |
Không phải các bạn quên lời dặn của thầy cô, cha mẹ mà vì “sành điệu”, khi ra đường thấy nhiều bạn không đội MBH nên cũng “quên” theo, thậm chí có “nhớ” thì cũng chỉ để “treo”, hoặc có đội thì lại “quên” cài quai mũ. Thật nguy hiểm! Bởi xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ khá cao, đi các loại xe này cần phải có kỹ năng, có hiểu biết và chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ. Học sinh từ đủ 14-16 tuổi ngồi trên xe máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng cách sẽ bị phạt bằng hình thức cảnh cáo. Việc xử phạt là đúng nhưng nếu chỉ gửi kết quả về trường để kiểm điểm, phê bình thầy cô thì chưa đủ. Theo tôi, trách nhiệm giáo dục còn thuộc về cả gia đình và xã hội.
Gia đình nên giáo dục cho con ngay từ khi còn nhỏ, trong mọi trường hợp khi ngồi trên xe máy, xe gắn máy, xe đạp điện, dù đường đi ngắn hay dài, dù quốc lộ hay tỉnh lộ, từ nhà ra đường, trong làng hay ngoài phố đều phải đội MBH. Cha mẹ hãy nhớ quy tắc “4 phải, 3 nên” khi cho con đi xe đạp điện.
4 phải: Cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực trong chấp hành quy định đội MBH; phải thường xuyên nhắc nhở con đội MBH khi đi xe đạp điện; phải ký cam kết với nhà trường về ATGT; phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu con vi phạm giao thông và xảy ra tai nạn. 3 nên: Chỉ nên cho con đi xe đạp điện khi đủ 14 tuổi trở lên; nên cho con học Luật giao thông, học kỹ năng xử lý tình huống khi đi xe đạp điện; nên lựa chọn các dòng xe được điều chỉnh tốc độ phù hợp với độ tuổi của con. |
Nhà trường có thể đưa quy định “ngồi trên xe máy, xe gắn máy và xe đạp điện phải đội MBH mới được vào trường” thành nội quy của trường, lớp. Thành lập mô hình đội tự quản ATGT, cổng trường ATGT, đường dây nóng ATGT, lập trang web của trường về văn hóa đội MBH. Đưa nội dung ATGT, văn hóa đội MBH trong các tiết học, giờ ngoại khóa; tổ chức sân khấu hóa tuyên truyền đội MBH để thu hút sự chú ý của học sinh. Trước, trong kỳ nghỉ hè và đầu năm học mới, nhà trường duy trì ký cam kết không vi phạm ATGT, thực hiện nghiêm quy định đội MBH trong học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Bên cạnh đó, các chú cảnh sát giao thông nếu xử lý học sinh vi phạm đội MBH nên thông báo vi phạm của học sinh về nhà trường, về cả cơ quan nơi bố, mẹ học sinh công tác hoặc tổ dân phố nơi gia đình sinh sống, bố mẹ phải nộp phạt thay con và không được xét các danh hiệu thi đua trong năm. Bảng thông báo họp của mỗi tổ dân phố có thể thiết kế thêm các khẩu hiệu về đội MBH. Ngành Giáo dục nên quy định rõ “học sinh đủ 14 tuổi trở lên có cam kết của bố mẹ, học sinh, cô giáo chủ nhiệm thì mới được đi xe đạp điện đến trường”. Các cơ quan chức năng có quy định bắt buộc người đi xe đạp điện phải tham gia khóa đào tạo về luật lệ giao thông; đồng thời xử phạt nặng cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn. Có thể phát động cuộc thi thiết kế logo MBH dành cho học sinh, sinh viên để MBH không còn là “nồi cơm điện di động” mà sẽ trở nên “sành điệu, đáng yêu”, phù hợp với thị hiếu học sinh. Đặc biệt tôi rất thích sáng kiến MBH thông minh của Nguyễn Tiến Sơn, loại MBH có khả năng nhắc nhở chủ nhân nếu không đội MBH sẽ không vận hành được xe đạp điện. Tôi nghĩ nếu đưa loại MBH này vào thị trường sử dụng sẽ là biện pháp tuyên truyền rất hiệu quả.
Với học sinh, tôi nghĩ đội MBH khi đi xe đạp điện phải thấm sâu từ trong suy nghĩ, trở thành thói quen tự giác và nét đẹp văn hóa.
Nguyễn Mai Thương
(Lớp 9A, THCS Trần Quốc Toản, TP Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()