Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:20 (GMT +7)
Văn hóa mang niềm tin tới…
Thứ 6, 19/04/2024 | 17:20:38 [GMT +7] A A
Một trong những điểm nhấn của tỉnh Bình Phước năm 2023 chính là lần đầu tiên tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong giai đoạn mới - Nghị quyết số 14-NQ/TU. Nghị quyết đã khơi dậy niềm tin, cảm hứng tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, khi những giá trị to lớn của văn hóa đã được khẳng định.
Văn hóa là nền tảng tinh thần nên không thể đo, đếm được cụ thể đóng góp của lĩnh vực này vào sự phát triển của xã hội bằng những con số. Nhưng không khó để chỉ ra tầm quan trọng đặc biệt của yếu tố văn hóa, chính là tạo động lực và truyền cảm hứng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Giá trị vô hình
13 năm thành lập, Công ty cổ phần Tập đoàn BDC Group, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước được biết đến là đơn vị rất chú trọng phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp (DN). Hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu - xây dựng công trình, thường xuyên giao tiếp với khách hàng, đối tác, công ty luôn có nhu cầu đội ngũ nhân sự tinh thông nghiệp vụ và khéo léo, chuẩn mực trong ứng xử để chia sẻ công việc cùng nhau và tư vấn khách hàng. Do đó, yếu tố cốt lõi để công ty lớn mạnh chính là đưa văn hóa vào DN.
“Kết quả nổi bật nhất sau khi áp dụng văn hóa DN là chúng tôi có môi trường làm việc thân thiện, giúp cá nhân tỏa sáng hết mình. Họ trở thành những con người tự tin và giao tiếp với nhau thuận lợi. Môi trường trong công ty mà chúng tôi giao tiếp tốt thì sẽ giao tiếp với khách hàng tốt hơn” - ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn BDC Group khẳng định.
Không chỉ trong kinh doanh, văn hóa có mặt ở tất cả lĩnh vực và chi phối toàn bộ hoạt động của con người. Đánh giá rất cao tác động của văn hóa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang chỉ rõ: Bất kỳ sự phát triển nào cũng phải bắt đầu từ văn hóa và trên nền văn hóa. Văn hóa có mặt ở khắp mọi nơi, làm nền cho tất cả. Chính trị cũng có văn hóa chính trị, ngoại giao cũng có văn hóa ngoại giao…
Kỳ vọng Nghị quyết 14
Phát huy sức mạnh của giá trị văn hóa, ngày 20-11-2023, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết 14 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tin tưởng nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống và văn hóa sẽ tiếp tục tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển.
Ông Huỳnh Văn Nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đánh giá: “Đây là nghị quyết sát với tình hình thực tiễn, bởi Bình Phước là nơi hội tụ người dân ở nhiều vùng miền trong cả nước, từ đó xây dựng nên văn hóa, con người Bình Phước có những đặc điểm riêng. Tôi tin rằng nghị quyết sẽ phát huy được bản sắc văn hóa của người dân Bình Phước, góp sức đưa tỉnh nhà đi lên”.
Cũng như nhiều người dân Bình Phước khác, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Riềng rất tâm đắc với nghị quyết chuyên đề về văn hóa lần này. Bà ấn tượng với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước vừa đậm đà giá trị dân tộc và đòi hỏi sự giàu có của bản sắc địa phương, riêng có của Bình Phước, đặc biệt là “yêu cầu phát triển văn hóa thì không ngừng phải tiếp thu và lĩnh hội để làm cho văn hóa Bình Phước tiến bộ và có tính hội nhập cao” - bà Lan Anh nhấn mạnh.
Nghị quyết 14 xác định mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương”. Là tỉnh có 41 thành phần dân tộc cùng chung sống, đời sống tinh thần phong phú và nền văn hóa đa dạng nên Nghị quyết 14 sẽ tác động tích cực đến mục tiêu này. Chị Thị Bé Lan, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước khẳng định cá nhân rất vui mừng khi tỉnh Bình Phước ban hành Nghị quyết 14. Chị cho rằng, Bình Phước là nơi hội tụ các dân tộc anh em nên nghị quyết ra đời sẽ góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, mang đặc trưng riêng của địa phương, nhưng vẫn có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Tiếp biến hoá gắn với bảo tồn
Là quốc gia Đông Nam Á thuộc nền văn minh lúa nước, lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam là quá trình tiếp biến từ các nền văn hóa khác, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây (Pháp). Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, chính đặc điểm này đã tạo nên sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam có năng lực sáng tạo ra những giá trị của chính mình, nhưng đồng thời cũng có khả năng phân tích, tích hợp vào bản thân văn hóa mình những giá trị có nguồn gốc từ bên ngoài như những giá trị của văn minh phương Bắc, văn minh phương Nam, văn minh phương Tây… để trở thành sức mạnh nội sinh. Nghị quyết 14 cũng nhấn mạnh đến nội dung tích cực tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các vùng miền trong cả nước và các nước trên thế giới để làm cho văn hóa Bình Phước luôn phát triển, tiến bộ và có tính hội nhập cao. Cùng với đó là bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Nhìn ở góc độ hẹp hơn, có thể thấy chính qua quá trình tiếp biến văn hóa mà nền văn hóa tỉnh Bình Phước hiện nay rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc bởi có sự giao thoa của văn hóa 41 dân tộc. Thạc sĩ Nông Thị Thu Hà, nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, cộng đồng người Tày của chị cũng như nhiều cộng đồng khác khi di cư đến vùng đất mới luôn có sự hòa nhập với văn hóa địa phương. Và quá trình tiếp biến văn hóa đã góp phần giúp đồng bào phát triển, thúc đẩy phát triển xã hội.
“Khi di cư vào tỉnh Bình Phước, cộng đồng người Tày luôn tôn trọng, học hỏi giá trị của văn hóa địa phương để bổ sung vào kho tàng văn hóa của mình. Nếu kinh tế của người Tày vùng Bắc Bộ chủ yếu trồng lúa thì khi vào tỉnh Bình Phước, họ vận dụng tri thức canh tác vốn có để trồng điều, tiêu, cao su… phù hợp thổ nhưỡng địa phương. Hay văn hóa họp chợ, văn hóa ẩm thực, nhà cửa… đều có sự giao thoa, thích nghi, hòa nhập” - cô gái trẻ dẫn chứng về sự giao lưu và tiếp biến trong văn hóa người Tày ở tỉnh Bình Phước - quê hương thứ hai của mình.
Vì bản sắc văn hóa dân tộc không phải là yếu tố “tĩnh” mà luôn vận động nên việc tiếp biến văn hóa, chọn lọc những giá trị tích cực của văn minh bên ngoài gắn với bảo tồn những giá trị truyền thống bên trong là cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp với quy luật. Theo giảng viên Nông Thị Thu Hà, quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sẽ đạt hiệu quả tối đa khi có sự tham gia tích cực, tự giác của người dân.
“Di sản văn hóa vốn thuộc về cộng đồng, do vậy bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải hướng tới cộng đồng. Trong quá trình triển khai các hoạt động này, cần chú trọng nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng sở tại, để mỗi người dân thực sự trở thành những nhân tố tích cực, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa” - nhà nghiên cứu văn hóa Thu Hà nhấn mạnh.
Gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn là mệnh lệnh. Bởi, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa luôn là điểm tựa vững chắc để cả dân tộc tiến về phía trước. Hôm nay, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh cũng được đặt trên nền tảng văn hóa. Vì, như nhà hoạt động giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung đã khẳng định: Văn hóa là điểm khởi đầu và cũng là đích đến.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()