Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 06:48 (GMT +7)
Văn hoá nhận lỗi
Chủ nhật, 04/11/2012 | 04:32:20 [GMT +7] A A
Lâu nay khái niệm “Văn hoá từ chức” thường hay được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng như một hành vi cần có của các quan chức nhà nước khi không hoàn thành trách nhiệm của mình. Theo đó, vấn đề đặt ra là tại sao cái nét văn hóa này vốn rất bình thường ở nhiều quốc gia, ai cũng coi là “chuyện hiển nhiên”, nhưng ở ta lại thiếu? Ở ta, một khi đã “lên” rồi thì chẳng ai chịu tự nguyện “xuống” nữa! Trừ phi bị xử lý kỷ luật, bị cách chức...
Nhân nói đến “văn hoá từ chức”, lại nghĩ đến một nét văn hoá khác của người lãnh đạo, có thể tạm gọi là “văn hoá nhận lỗi”; cũng giống như “văn hoá từ chức”, hình như ở ta các cán bộ lãnh đạo xem ra vẫn còn đang xa lạ với nét văn hoá này lắm. Ít khi thấy một vị cán bộ chủ chốt ở một ngành nào đó, địa phương nào đó v.v.. để xẩy ra một sự cố sai sót nào đó lại đứng ra công khai nhận lỗi trước công luận. Nói đâu xa, như chuyện về cái chết thương tâm do bị điện giật của ba em học sinh ở xã Yên Thọ, huyện Đông Triều dịp trung tuần tháng 10 vừa qua chẳng hạn. Sự việc đã được các cơ quan thông tin đại chúng phản ảnh khá chi tiết và hiện cơ quan điều tra cũng đã và đang vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Thế nhưng qua đọc báo, xem ti vi, thấy dường như trong chuyện này, mọi người, kể cả những người có trách nhiệm trong ngành điện, đều đang “chờ xem” kết luận của cơ quan điều tra như thế nào, chứ chưa thấy một vị quan chức nào lên tiếng trên báo chí để xin lỗi và nhận trách nhiệm! Xem báo Quảng Ninh (số ra ngày thứ hai, 22-10-2012), trong mục “Dân hỏi - Lãnh đạo trả lời”, thấy ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Điện lực Quảng Ninh, cũng đã trả lời phỏng vấn. Thế nhưng, đọc cả bài không thấy có lấy một câu nào xin lỗi người dân và cũng không thấy đề cập đến việc các cán bộ ngành điện đã hoặc sẽ tự kiểm điểm (tôi nhấn mạnh) vì để xẩy ra sự cố đáng tiếc này!). Mà rõ ràng, cho dù biện minh thế nào thì ngành điện cũng không thể “phủi tay”, cho rằng mình “vô can” được!
Tất nhiên, “nhận lỗi” chỉ là bước đầu, điều quan trọng hơn là sau khi “nhận lỗi” thì thái độ, hành vi “sửa lỗi” như thế nào? Có thực sự nghiêm túc, cầu thị hay không? Có mang tính hình thức, mang tính “đối phó” hay không? Ấy mới là cái mà mọi người quan tâm. Tuy nhiên, chí ít thì “cái bước đầu” ấy cũng nên có và phải có! Nó thể hiện nét văn hoá của người lãnh đạo. Đáng tiếc thay, như đã nói ở trên, cái nét văn hoá này hiện vẫn còn xa lạ trong giới lãnh đạo quá. (Còn khi cơ quan chức năng đã kết luận cụ thể về nguyên nhân gây ra sự cố và ra quyết định xử lý theo pháp luật đối với các cá nhân có liên quan rồi, thì cứ thế mà “y án”, còn gì để nói!)...
Chúng ta đều biết, Nghị quyết TƯ 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" rất nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình đảng viên, nhất là những đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương v.v.. Vừa qua, Bộ Chính trị và Chính phủ cũng đã nghiêm túc, công khai tự nhận khuyết điểm về những yếu kém trong công tác của mình. Điều này cho thấy đã đến lúc phải xây dựng một “nét văn hoá” lãnh đạo mới trong tổ chức Đảng, cũng như trong các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là dám nhìn thẳng vào sự thật để công khai (tôi nhấn mạnh) nhận khuyết điểm về những yếu kém trong công tác của chính mình. Trong nét “văn hoá lãnh đạo” ấy bao hàm cả “văn hoá từ chức” nữa, tất nhiên rồi!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()