Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:42 (GMT +7)
Văn hoá tạo nên nhân cách nhà báo
Thứ 2, 19/06/2023 | 10:09:32 [GMT +7] A A
Lịch sử phát triển gần 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy, có những giai đoạn lịch sử xã hội, lịch sử báo chí nói chung, nghề báo nói riêng có những phát triển khác nhau nhưng có một thực tế bất biến đó là văn hoá, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Văn hoá là cái gốc để tạo nên nhân cách, đạo đức của mỗi nhà báo.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sử dụng báo chí như là một phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng. Bản thân Người là tấm gương làm báo sáng ngời, là người thầy của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam. Với Người, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Lời dạy ấy của Bác giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, bởi đó chính là mục đích, động cơ làm báo, là quan điểm về đối tượng phản ánh, tuyên truyền của báo chí và phương pháp làm báo.
Đất nước trải qua những năm tháng chiến tranh, bước vào giai đoạn đổi mới và nay là đang trên đường phát triển ngày một đẹp giàu. Công nghệ làm báo từng thời kỳ có khác nhau bởi chịu sự chi phối của phát triển khoa học công nghệ. Loại hình, công nghệ, kỹ thuật làm báo ngày một đa dạng, hiện đại, nhất là ở kỷ nguyên số như hiện nay nhưng có một thứ vô cùng quan trọng không thể bỏ đó là văn hoá, đạo đức nghề báo. Ở thời kỳ nào cũng vậy, văn hoá, đạo đức nghề báo luôn là yếu tố quan trọng nhất, chi phối đến tác phẩm báo chí, rộng hơn là tác động, ảnh hưởng đến xã hội. Văn hoá tạo nên nhân cách mỗi con người, trong đó có những người làm báo, từ đó tác động, ảnh hưởng tới đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Đã có không ít nhà báo do cám dỗ vật chất, hay những lợi ích cá nhân khác đã không giữ được ngòi bút của người làm báo chí cách mạng chân chính, đánh mất mình, đến mức phải xử lý về pháp luật. Ấy là bởi họ đã không có được cái tâm, cái nhân cách, đạo đức của người làm báo. Nhà báo lão thành Hữu Thọ khi nói về nghề báo cao quý, vinh quang và nhọc nhằn đã cô đọng: “Làm cái nghề này phải Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc thì mới nên nghề”.
Ngày 21/6/2022, kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động trong toàn quốc phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam". Trong đó, có 6 tiêu chí xây dựng văn hoá của người làm báo như là có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.
Quảng Ninh đang trên đường phát triển thành tỉnh giàu đẹp văn minh. Văn hoá là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bao năm qua, báo chí Quảng Ninh, những người làm báo Quảng Ninh luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. Bởi vậy, xây dựng văn hoá người làm báo, gìn giữ nét đẹp “tâm sáng, lòng trong” của nghề chính là mỗi nhà báo đã góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()