Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:15 (GMT +7)
Văn hoá và thái độ ứng xử
Chủ nhật, 04/07/2021 | 06:20:55 [GMT +7] A A
Trong cuộc sống hàng ngày, với mỗi người, giao tiếp và ứng xử với mọi người, cộng đồng xã hội thể hiện “phông” văn hoá của người đó, cho dù chỉ là hành vi nhỏ nhất là một câu nói hay một thái độ trước một sự việc. Trên môi trường mạng – không gian ảo cũng không ngoại lệ.
Xã hội phát triển, đặc biệt là sự phát triển về công nghệ thông tin đã trở thành một cuộc cách mạng lớn với con người. Mạng xã hội giờ đây đã chi phối đến toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng từ lớn hơn là một quốc gia, vùng đến nhỏ nhất là cá nhân con người. Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đã mang lại. Chỉ xét ở góc nhìn cá nhân mỗi người đã khó mà thống kê hết tiện ích của nó. Nhất là trong thời gian dịch Covid -19 bùng phát như vừa qua và hiện nay. Hầu hết những công việc như mua bán, vận chuyển hàng hoá, học tập, họp hành, trao đổi công việc, thăm hỏi sức khoẻ nhau đều có thể thực hiện thông qua mạng xã hội, ứng dụng như facebook, zalo, messenger…
Mạng xã hội còn là nơi mỗi người có quyền gửi gắm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Rất nhiều gương người tốt – việc tốt, rất nhiều những trường hợp có hoàn cảnh éo le, khó khăn nhờ mạng xã hội chia sẻ mà được cộng đồng biết tới, chung tay giúp đỡ. Nhưng cũng chính bởi những tiện ích ấy, phía sau những tích cực, mạng xã hội cũng nảy sinh những tiêu cực, thậm chí gây hậu quả to lớn với những ai sử dụng không đúng quy tắc, giới hạn dẫn đến vi phạm pháp luật.
Một trong những “vấn nạn” của người dùng mạng xã hội hiện nay đó là “hội chứng đám đông”, thậm chí không liên quan, quen biết gì nhưng cũng “xông vào” bình luận hay chửi bới. Bất cứ một vụ tai nạn giao thông nào xảy ra được tung lên mạng là lập tức nhiều người xin biển số xe bị tai nạn để… đánh đề. Có không ít các trang, nhóm, diễn đàn được lập ra trên mạng với con số hàng ngàn, chục ngàn thành viên chỉ để … hóng những sự việc giật gân, tai nạn, an ninh trật tự xảy ra hàng ngày. Quảng Ninh cũng không thiếu những nhóm như thế trên Facebook.
Tại Hải Phòng, trong khi ngành y tế, chính quyền cùng các cơ quan chức năng và người dân đang gồng mình chống dịch thì xuất hiện thông tin lan truyền trên mạng zalo là tại huyện Vĩnh Bảo có 40 ca dương tính với Covid -19 khiến dư luận hoang mang. Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì làm việc cùng các cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Theo đó, Sở Y tế và Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp khẳng định thông tin trên là sai sự thật.
Đã có rất nhiều người bị xử phạt vi phạm hành chính vì thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận hay xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, buộc phải gỡ bỏ và đính chính thông tin. Hầu hết các trường hợp đã bị xử lý nghiêm khắc và dứt khoát ngay sau khi đăng, chia sẻ sai thông tin sự việc. Đối tượng vi phạm ở đây, chiếm phần lớn là giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Trong số đó, có cả văn nghệ sĩ, công chức, viên chức, học sinh… Có người vi phạm do vô tình, bồng bột “hội chứng đám đông” mà vội bình luận, chia sẻ nhưng cũng có những người cố tình, dù biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Giống như ngoài đời thực, mạng xã hội rất cần những ứng xử văn hoá, thái độ, trách nhiệm của mỗi người. Đôi khi chỉ một cái click chuột tỏ thái độ (like), một bình luận (comment) nhưng cũng đủ để đánh giá một thái độ, một hành vi, ý thức của bạn. Vậy thì mỗi người hãy ý thức hơn khi dùng mạng xã hội. Hãy sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan toả tình yêu quê hương đất nước, gia đình, cộng đồng, những gương người tốt – việc tốt, những việc làm nhân ái; lan toả các giá trị cuộc sống thay vì đi đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng chỉ để khoe, để câu like (lượt thích), câu view (lượt xem) để rồi đến mức bị xử lý pháp luật. Thái độ, hành vi trên mạng xã hội cũng chính là thể hiện văn hoá ứng xử của mỗi con người.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()