Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:18 (GMT +7)
Vẫn quyết định để Bộ GDĐT biên soạn sách giáo khoa
Thứ 3, 21/10/2014 | 10:56:18 [GMT +7] A A
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ngày 20.10, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã trình bày đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
Ngoài tổng kinh phí dự toán là 778,8 tỉ đồng, Bộ trưởng Luận cũng chính thức đưa ra phương án sẽ cùng tham gia biên soạn SGK. Đây được xem là vấn đề “nóng” của dư luận khi mà trước đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GDĐT không nên tham gia biên soạn SGK, để đảm bảo tính công bằng trong quá trình xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Bộ trưởng Luận cho biết, SGK mới sẽ được biên soạn theo phương án nhiều tổ chức cá nhân cùng tham gia biên soạn trên cơ sở chương trình phổ thông thống nhất. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK. Việc cùng lúc sử dụng nhiều bộ SGK cho cùng một chương trình phổ thông, lãnh đạo Bộ GDĐT cho rằng sẽ huy động được năng lực của tổ chức, cá nhân biên soạn, có SGK phù hợp với các vùng miền địa phương, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.
Tuy nhiên, cũng tại bản báo cáo, Bộ trưởng Luận cũng nhấn mạnh rằng, ngoài phương án này, trong quá trình thảo luận ở các hội nghị, hội thảo còn có hai ý kiến về biên soạn SGK.
Ý kiến thứ nhất là các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK và Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn. Ý kiến thứ hai là Bộ GDĐT sẽ tổ chức thẩm định chọn lấy một bộ SGK tốt nhất dựa trên các bộ sách huy động từ các tổ chức, cá nhân biên soạn. Theo lộ trình, năm học 2018 - 2019 sẽ đưa SGK mới vào sử dụng trong nhà trường và tiếp tục chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện. Đến tháng 12.2021, việc thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sẽ được hoàn chỉnh.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trong bản báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đã đồng ý phương án để Bộ GDĐT được tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Về đối tượng tham gia biên soạn SGK, ủy ban này tán thành phương án do Chính phủ đề nghị như nói trên, nhằm đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, SGK trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học. Thứ hai, việc biên soạn song hành một bộ SGK cung cấp tài liệu giáo dục để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông. Thứ ba, mục tiêu vì lợi ích của đông đảo học sinh và vì chất lượng giáo dục phải đặt lên trên yêu cầu công bằng trong kinh doanh nếu có xung đột.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()