Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Vận tải hành khách lao đao vì dịch và giá xăng
Thứ 6, 29/10/2021 | 11:01:27 [GMT +7] A A
Sau hơn 2 tuần Hà Nội mở lại vận tải khách liên tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đi lại hoạt động. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều nhà xe luôn trong cảnh “đói” khách và đối diện nguy cơ tạm dừng do không đủ khả năng bù lỗ.
Mỗi chuyến xe chỉ có 5-10 hành khách
Lãnh đạo Công ty Quản lý bến xe Hà Nội chia sẻ, ngay sau khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh tái hoạt động, đơn vị này đã chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tuyến trên zalo, trong đó có sự tham gia của các địa phương, nhà xe để trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong điều tiết, tổ chức vận tải và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính vì vậy, về thủ tục hay điều kiện hoạt động vận tải đã thuận lợi.
Tuần trước mỗi ngày cả 3 bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm chỉ có khoảng 100 xe xuất bến. Sang đến tuần này, con số đã nhích lên đôi chút, với khoảng 400 xe xuất bến/ngày, đa phần đi tuyến ngắn khoảng 300km. Cụ thể, ngày 25/10, số xe xuất bến là 420 xe; ngày 26/10 số xuất bến là 437 xe và ngày 27/10, có 463 xe xuất bến.
Nếu so với con số hàng nghìn chuyến xe trên mỗi bến, hàng vạn khách đi lại mỗi ngày như trước thời điểm diễn ra dịch COVID-19 thì quả là dịch vụ vận tải hành khách èo uột. Tình cảnh này cũng diễn ra ở bến xe Nước Ngầm. Dù Hà Nội thực hiện thí điểm vận tải khách liên tỉnh từ ngày 13/10, nhưng đến nay tại bến mới có một số nhà xe các tuyến đi Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Vũng Tàu… lên hoạt động. Các xe đều vắng khách, đạt khoảng 20% sản lượng trước thời gian giãn cách xã hội.
Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Tuyển-Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm này, người dân đi lại đã thuận tiện hơn giữa Hà Nội và hơn 20 tỉnh, thành. Thế nhưng, theo thống kê, từ ngày 21 đến ngày 24/10, các bến xe có khoảng hơn 1.000 chuyến đi đến Hà Nội, trong đó có hơn 5.000 hành khách. Tính ra trung bình mỗi chuyến xe chỉ có khoảng 5-10 khách.
“Nhiều nhà xe chia sẻ với chúng tôi, nếu với lượng khách này, họ không đủ bù lỗ, dù rất muốn chạy xe”, ông Tuyển nói và thông tin thêm: Để động viên các nhà xe mới hoạt động trở lại, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thời gian qua cũng kiến nghị thành phố nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp cụ thể như: Giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định.
Xăng dầu tăng "phi mã"
Trước đó, có mặt tại bến xe Giáp Bát, chúng tôi chứng kiến những khoảng trống khu vực xếp khách đã được phủ kín bởi các tuyến xe khách quay trở lại hoạt động. Thế nhưng, cả khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông chỉ lác đác vài hành khách. Mật độ phương tiện đưa hàng hóa đến gửi về các tỉnh cũng thưa thớt, trầm lắng.
Anh Nguyễn Khánh, chủ xe khách liên tỉnh chạy tuyến Trực Phú (Nam Định) - bần thần đứng nhìn ra phía hành lang nơi khách mua vé để ra xe, với mong mỏi đón thêm được vài ba hành khách trước giờ xuất bến cận kề.
Anh Khánh cho biết, 9h40 xe đã xuất bến nhưng khách thì lác đác, cả tiếng đồng hồ mới được hai khách. Sáng nay chuyến lên cũng chỉ có 3 người, chỉ phủ được 1/10 lượng ghế. Trong khi trước dịch, chạy được khung giờ này thì chỉ cần ra đến cổng là xe đã đầy khách.
“Tổng chi phí cho mỗi chuyến xe (nhiên liệu, phí cầu đường, nhân lực) là 2,1 triệu đồng. Trong khi cả lượt đi lượt về chưa nổi 10 khách. Với giá vé chưa đến 100.000 đồng/người, ngày đầu tiên chạy lại sau 4 tháng giãn cách xem như lỗ nặng”, anh Khánh than thở.
Khó khăn chưa dừng lại, từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Theo đánh giá, giá xăng dầu đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đã khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất, vừa chịu tác động của dịch bệnh, vừa chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu.
Là doanh nghiệp có hơn 70 đầu xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai) cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 20% doanh thu, đến nay tăng thêm khoảng 10% nữa khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng.
Ở giai đoạn bình thường chi phí nhiên liệu của Hà Sơn - Hải Vân khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 400 triệu đồng. Doanh nghiệp hiện chỉ được hoạt động với 20% tần suất công bố nên rất khó để doanh nghiệp điều chỉnh giá vé.
Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp chỉ được hoạt động 50% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 15 - 20% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác.
Giá xăng dầu tăng bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ phải bù lỗ. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước cũng không phải dễ do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()