Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:03 (GMT +7)
Vào vụ trồng rừng mới
Thứ 7, 11/02/2023 | 11:08:50 [GMT +7] A A
Năm 2023, mục tiêu trồng rừng của Quảng Ninh là trồng 1 triệu cây phân tán và 11.640ha trở lên rừng sản xuất, trong đó bao gồm 2.000ha lim, giổi, lát. Đây là những con số không nhỏ, xác định rất rõ những thuận lợi, khó khăn trong triển khai, tỉnh Quảng Ninh sớm giao chỉ tiêu trồng rừng cụ thể cho từng địa phương, đơn vị; xây dựng kịch bản, phương án tổng thể và yêu cầu từng đơn vị, địa phương có phương án chi tiết, theo dõi tiến triển trồng rừng.
Ngày 27/1, ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, toàn tỉnh ra quân trồng cây đầu năm, hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mở đầu cho mùa trồng cây gây rừng năm 2023. Ngay trong ngày này, toàn tỉnh trồng được 208.000 cây xanh, tương đương trên 174ha, vượt xa kế hoạch tỉnh đề ra. Đáng nói, trong 208.000 cây trồng, đã có trên 60% là cây lim, giổi, lát, còn lại là cây bản địa, cây đô thị lâu năm. Điều này thể hiện các đơn vị, địa phương bám sát chỉ đạo trồng cây đầu năm của tỉnh là gắn với mục tiêu phát triển rừng bền vững, đặc biệt là mục tiêu trồng lim, giổi, lát.
Bước vào đầu tháng 2, toàn tỉnh chính thức bước vào vụ trồng rừng tập trung. Năm nay, toàn tỉnh có diện tích trồng rừng rộng lớn, do trước đó bà con đã khai thác hàng loạt những cánh rừng keo trưởng thành. Cùng với đó, các điều kiện trồng rừng về cây giống, cuốc hố, bón lót… đã được bà con chuẩn bị khá đầy đủ, đảm bảo tính thành công của hoạt động trồng rừng tập trung.
Tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiên Yên, đơn vị huy động nhân lực trồng rừng tại những vị trí đầu nguồn, xung yếu, nhằm tăng cường độ đa dạng sinh học, đa tầng tán của rừng, mục tiêu hoàn thành diện tích hơn 300ha rừng sản xuất và gần 100ha rừng phòng hộ trong 3 tháng mùa xuân. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Vân Đồn, trong 15 ngày sau Tết Nguyên đán trồng đạt trên 50ha rừng trong tổng số kế hoạch trồng rừng năm 2023 của đơn vị là trên 700ha. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ (TP Hạ Long) cũng phát động khí thế trồng rừng sôi động, kế hoạch trồng rừng năm 2023 của đơn vị này khá cao, với trên 700ha rừng trồng sản xuất và 300ha rừng phòng hộ.
Tiến độ trồng rừng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp lâm nghiệp nói trên cũng là tiến độ chung của các chủ rừng toàn tỉnh. Tại huyện Ba Chẽ, trung tâm lâm nghiệp của tỉnh, bà con trồng rừng theo cách đổi công cho nhau. Anh em họ hàng hoặc các hộ xóm láng tập trung hoàn thành diện tích trồng rừng cho một hộ, sau đó đến các hộ khác. Nhờ đó nâng cao tỷ lệ sống của cây, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo thành rừng sau trồng.
Năm nay, Ba Chẽ vẫn là một trong 2 địa phương của tỉnh thụ hưởng chính sách hỗ trợ giống, vốn để trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 337/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Qua đó, số lượng, chất lượng trồng rừng của Ba Chẽ sẽ cao hơn, đẩy nhanh diện tích trồng rừng trên toàn tỉnh.
Năm 2023 này, một trong những thuận lợi trong công tác trồng rừng chính là nguồn cung ứng cây giống lâm nghiệp phong phú về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Sau quá trình rà soát, chấn chỉnh, hiện cơ bản những vườn giống lâm nghiệp của tỉnh đều kinh doanh với cơ cấu giống phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp, nhiều loại giống mới, có nguồn gốc, có lý lịch, có khảo nghiệm, từ đó bảo chứng cho chất lượng cây trồng khi đưa ra trồng đại trà.
Riêng việc nhân giống cây lim, giổi, lát hiện các vườn đã tiếp nhận và triển khai theo quy trình chuẩn, số lượng cây giống đủ đáp ứng nhu cầu trồng của người dân. Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh trồng 2.000ha lim, giổi, lát, tương đương 2,2-2,5 triệu cây giống.
Trong kế hoạch triển khai trồng rừng tập trung năm nay, cùng với khuyến khích các hộ dân thực hiện trên diện tích rừng sản xuất đang có, tỉnh Quảng Ninh xây dựng chương trình làm giàu rừng, trồng mới, trồng bổ sung tại diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng trên toàn địa bàn. Hiện nay, diện tích rừng phòng hộ của Quảng Ninh lớn, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ nguồn sinh thuỷ, điều tiết môi sinh, tuy nhiên một phần trong đó trải qua thời gian đã có dấu hiệu suy giảm trữ lượng, chất lượng rừng. Điều này đòi hỏi cần trồng mới rừng để thay thế, bổ sung, nâng cao tính đa dạng sinh học, đa tầng tán của rừng phòng hộ, đặc dụng.
Cái khó của việc trồng rừng trong rừng phòng hộ, đặc dụng là việc xác định diện trồng, vị trí, cách thức trồng, cơ chế tài chính khi trồng rừng nhằm làm giàu rừng. Đến nay, nội dung này đang được đơn vị chuyên môn tham mưu để sớm có những hướng dẫn cụ thể, tạo nguồn lực để trồng mới rừng trong rừng phòng hộ, đặc dụng, góp phần không nhỏ vào kết quả triển khai trồng rừng tập trung theo mục tiêu tỉnh đề ra.
Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, khí thế trồng cây gây rừng trên toàn tỉnh đã rộn ràng, phấn khởi, tràn đầy niềm tin. Đây là cơ sở, nền tảng để Quảng Ninh kỳ vọng tiếp tục có một mùa trồng rừng, một năm trồng rừng thắng lợi, đúng, trúng với định hướng phát triển kinh tế rừng mà tỉnh đã đề ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()