Tất cả chuyên mục

Nằm trên đồi Khí tượng - Truyền thanh của thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô), di tích lịch sử trận đánh Đồn Cao đêm 13-11-1945 của Đại đội Ký Con anh hùng giờ chỉ còn những dấu tích ghi lại một trang sử bi hùng trong sự nghiệp giải phóng huyện đảo tiền tiêu này...
![]() |
Di tích Đồn Cao trong trận đánh của Đại đội Ký Con năm 1945 nay được bao bọc trong bạt ngàn màu xanh của núi rừng Cô Tô. |
Lật giở lại những trang sử gắn với trận đánh của Đại đội Ký Con tại Cô Tô, chúng ta hôm nay hẳn không khỏi bàng hoàng: Đại đội nhận nhiệm vụ đánh Pháp tại đảo Cô Tô trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đó là thời gian gấp rút, di biến động của địch trên đảo Cô Tô chưa rõ, tàu thuyền không có... Tuy vậy, được sự giúp đỡ của cán bộ, người dân tuyến đảo, 4 tiểu đội của Đại đội Ký Con từ Cát Bà (Hải Phòng) đã vượt biển tới Cô Tô vào tối 13-11-1945. Họ bí mật đổ bộ lên đảo, đến nửa đêm quân ta tiếp cận mục tiêu. Theo kế hoạch, các tiểu đội sẽ tấn công vào 3 vị trí: Đồn Cao, địa điểm được xác định khó khăn nhất trong trận đánh, nơi có lô cốt kiên cố, lại được tàu chiến hạm của Pháp hỗ trợ; ngôi nhà lá chứa quân trang, quân dụng phía dưới chân đồi, gần con đường đất dẫn lên Đồn Cao; đền thờ Mã Viện, nơi có 1 tiểu đội Pháp đóng quân.
Mặc dù đã thay đổi kế hoạch tác chiến theo tình hình địch, nhưng do lực lượng không cân sức, quân ta không chiếm giữ được Đồn Cao, chịu nhiều tổn thất: 17 đồng chí và một ngư dân đảo Minh Châu tình nguyện dẫn đường hy sinh; 22 đồng chí và 4 người dân làm nhiệm vụ lái thuyền bị bắt; 12 đồng chí vượt biển trốn thoát về đảo Cát Bà; bị mất 40 khẩu súng... Đây là trận đánh mà Đại đội Ký Con tổn thất lớn nhất, nhưng cũng cho thấy ý chí dũng cảm, khí tiết cách mạng của người chiến sĩ Đại đội Ký Con; qua đó cũng cho quân ta nhiều kinh nghiệm đánh địch vùng biển đảo.
Đến với Cô Tô hôm nay, chúng tôi đi tìm những dấu vết về trận đánh quân Pháp trên đảo năm xưa. Gần 70 năm đã trôi qua, ngôi nhà lá bị quân ta đốt cháy nay không còn, đền Mã Viện cũng mất, chỉ còn duy nhất những dấu vết tại khu Đồn Cao. Chở tôi len lỏi theo con đường bê tông nhỏ dẫn lên đồi Khí tượng - Truyền thanh của Cô Tô, cô cán bộ Phòng Văn hoá của huyện bảo: “Con đường này vắng vẻ lắm, chạy xuyên rừng, không có dân cư sinh sống nên bình thường em cũng không dám đi một mình đâu…”. Quả thật, khi lên tới đỉnh đồi, chúng tôi rất khó khăn mới vào được khu Đồn Cao, bởi cây rừng, dây leo đã chăng kín lối đi. Khu vực Đồn Cao có diện tích khoảng 300m2, nhưng khi leo lên cao, có thể quan sát toàn cảnh Cô Tô, chúng tôi cũng không thể nhìn thấy gì ngoài một màu xanh bạt ngàn. Sau này, khi nghe chúng tôi kể về chuyến đi, một cán bộ của huyện cho hay, là mỗi lần lên đây, họ đều phải mang theo dao, vừa đi vừa phát cây rừng thì mới tiến lên được…
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, dấu tích trận đánh năm xưa trên đỉnh Đồn Cao cũng không còn là bao, chỉ có gạch ngói vỡ, nền móng cũ, hầm ngầm, bể nước... Hầm ngầm là nơi bọn địch từng giam các chiến sĩ của Đại đội Ký Con năm xưa. (Sở dĩ bể nước ngầm này chưa bị phá vì nơi đây có một chiến sĩ của Đại đội sau khi bị địch bắt, đem phơi nắng bị khát nước và tra tấn dã man không chịu đựng nổi đã nhảy xuống bể và chết tại đây - theo tư liệu trong hồ sơ lý lịch di tích).
Trận đánh của Đại đội Ký Con trên đảo Cô Tô diễn ra từ lâu, lại là trận đánh mang tổn thất nặng nề cho quân ta nên từ sau khi huyện đảo Cô Tô được thành lập vào năm 1994 thì trận đánh mới được biết đến nhiều hơn. Huyện đảo cũng đã xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ, quy tập về đây phần mộ 17 liệt sĩ của Đại đội Ký Con đã hy sinh tại Cô Tô. Sau này, các gia đình có con em hy sinh trong trận đánh đã đưa hài cốt các chiến sĩ về quê nhà, tuy nhiên các phần mộ vẫn được giữ nguyên để người dân nơi đây dâng hương tưởng niệm mỗi dịp lễ, tết. Và thênh thang giữa trung tâm thị trấn Cô Tô hôm nay là con đường lớn được xây dựng mang tên Đại đội Ký Con, để tri ân, tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ, chiến sĩ năm xưa đã dâng hiến cả tuổi xuân, sinh mạng của mình cho sự nghiệp giải phóng huyện đảo.
Di tích Trận đánh Đồn Cao đêm 13-11-1945 của Đại đội Ký Con đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007. Tuy nhiên, di tích chưa có sự đầu tư đúng mức, rất cần được quan tâm tu bổ, tôn tạo để du khách tới đây có dịp chiêm ngưỡng, hiểu thêm về lịch sử mảnh đất này, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho con em huyện đảo hôm nay và mai sau.
Ngọc Mai
Ý kiến (0)