Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 19:36 (GMT +7)
Vì một Bái Tử Long xanh
Thứ 7, 05/06/2021 | 07:42:27 [GMT +7] A A
Nhận thức được nguy cơ từ ô nhiễm môi trường đến cảnh quan, môi trường sống của các sinh vật biển cũng như hoạt động của người dân, những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn môi trường tự nhiên.
Theo thống kê của Tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) rác thải nhựa chiếm từ 60% - 80% lượng rác thải thu được trên các khu vực biển, đảo thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Những năm qua, lượng khách du lịch đông kéo theo nhu cầu về dịch vụ, đánh bắt cá, cơ sở lưu trú, hoạt động tàu thuyền... khiến lượng rác thải ra môi trường tự nhiên Vịnh Bái Tử Long cũng ngày càng tăng. Hoạt động du lịch và đánh bắt cá cũng gây ảnh hưởng đến số lượng, nơi cư trú và sinh sản của một số loài chim sinh sống ở các khu rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven bờ.
Theo ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bái Tử Long, những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, các khu vực nuôi trồng thủy sản đã được thực hiện tốt; các đề tài, dự án liên quan đến công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống đã được triển khai có hiệu quả. Một trong số đó là phương án thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của Vườn Quốc gia vào năm 2014.
Theo đó, người dân sinh sống tại khu vực này được phép, chăm sóc, nuôi trồng ốc biển tại các ghềnh đá đi kèm với trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên tại vùng đất ngập nước. Đồng thời, Vườn cũng hỗ trợ các thôn giáp ranh đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, xây dựng các công trình công cộng và bảo vệ rừng.
Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đã hợp tác với một số tổ chức quốc tế triển khai nhiều Dự án như: Bảo tồn rùa biển do IUCN tài trợ; Nâng cao năng lực quản lý do Tổ chức VCF tài trợ; Hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và giáo dục môi trường tại xã Minh Châu do Tổ chức LMPA tài trợ.
Các hoạt động khác được triển khai với sự hợp tác của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP), Tổ chức tình nguyện bảo tồn sinh viên Nhật Bản (JSCV), Quỹ Môi trường toàn cầu Nhật Bản (JGFE), Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), Trung tâm Vườn quốc gia (NPC).
Nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh phục vụ trồng làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa đã được thực hiện như: Làm giàu rừng bằng loài cây Lim xanh (Erythrophleum fordii), trồng làm giàu rừng bằng loài cây Kim giao (Nageia fleuryi), nhân giống và trồng thử nghiệm loài cây bách bệnh (Eurycoma longifolia), trồng thử nghiệm loài cây lá khôi (Ardisia silvestris) v.v.
Đối với công tác bảo vệ biển, đảo đi kèm với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã thực hiện nhiều dự án như: Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi và núi đất xen kẽ núi đá vôi, bảo tồn nguồn gen loài ốc đĩa”, bảo tồn nguồn gen loài hải sâm đen, ương, nuôi thương phẩm loài ngao ô vuông, đánh giá thực trạng và nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhân giống, phát triển cây tùng đen, xây dựng mô hình điểm về du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn biển, xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng.v.v.
Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã tuyên truyền cho các phương tiện tàu, thuyền hoạt động về bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản cho người dân địa phương, khách du lịch có những hoạt động trên địa bàn; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng tại 22 thôn giáp ranh và nằm trong ranh giới Vườn quốc gia về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Vườn phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh, UBND xã Vạn Yên, UBND xã Minh Châu (Vân Đồn) kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực trồng thủy sản, xưởng thu mua chế biến sứa biển.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Vườn Quốc gia Bái Tử Long vẫn còn nhiều khó khăn như: Phương tiện, nhiên liệu, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác bảo tồn còn thiếu, nhận thức của người dân địa phương, khách du lịch về bảo vệ môi trường còn hạn chế, thiếu lò đốt rác thải sinh hoạt, thiếu kinh phí duy trì người thu gom rác thường xuyên, tác động tiêu cực của sự phát triển du lịch gây sức ép lên môi trường. Một bộ phận người dân còn có thói quen sống dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học.
Tất cả đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và phát triển bền vững biển đảo tại khu vực. Do đó, cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để vừa phát triển du lịch biển đảo bền vững vừa gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên và môi trường.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()