Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:16 (GMT +7)
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đột phá
Thứ 7, 12/06/2021 | 06:41:02 [GMT +7] A A
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn là một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh, động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Vì vậy, để tạo sự đồng bộ, giao thông đi trước mở đường, là cơ sở triển khai các quy hoạch xây dựng, quy hoạch tổng thể, cần có một chiến lược dài hơi, đặc biệt là phương án phát triển mạng lưới giao thông.
Xây dựng quy hoạch đồng bộ
Thời gian qua, Quảng Ninh được biết đến là địa phương điển hình trong phát triển hạ tầng giao thông ở cả nước. Với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển bền vững, tỉnh đã nhận diện được những thách thức, hạn chế về cơ sở hạ tầng..., từ đó đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Quảng Ninh đã và đang xây dựng tuyến cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km, sở hữu cảng tàu khách quốc tế, sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam...
Tuy nhiên, đây đều là những dự án giao thông mang tính chất động lực, nằm tại các trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh. Trong khi tỉnh có diện tích rộng lớn, nhiều khu vực còn xa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Quy hoạch GTVT tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều thay đổi, bổ sung và không còn phù hợp.
Đặc biệt, năm 2019, Luật Quy hoạch có hiệu lực, theo đó tích hợp các nội dung quy hoạch các ngành vào quy hoạch tỉnh, không còn Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT mà thay vào đó trong Quy hoạch tỉnh có phương án phát triển mạng lưới giao thông gồm: Mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt; các tuyến đường thủy nội địa và đường hàng hải; các cảng biển, sân bay quốc tế, quốc gia; mạng lưới đường bộ, đường thủy liên tỉnh đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; mạng lưới đường tỉnh...
Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Quảng Ninh là rất cần thiết. Bởi, phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh một cách đồng bộ, liên hoàn sẽ điều chỉnh kịp thời những thay đổi trong thời gian qua, cập nhật theo các quy hoạch, chiến lược quốc gia, phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh.
Phát triển giao thông mang tính đột phá
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Quảng Ninh đang gấp rút triển khai lập, bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, với vai trò là cơ quan tham mưu về lĩch vực GTVT, Sở đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng, tổng hợp các báo cáo, đề xuất theo hướng bám sát kế hoạch, mục tiêu phát triển của tỉnh. Quan điểm phát triển mạng lưới giao thông đó là sẽ tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh. Bởi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Theo đó, sẽ tập trung phát triển mạng lưới hệ thống GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong giao thương với các nước Đông Bắc Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và điểm kết nối của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối như: Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái, kêu gọi đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Đối với các tuyến đường giao thông khác sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng, bổ sung xây dựng mới một số tuyến có tính kết nối, nhu cầu vận tải cao. Đối với đường đô thị, tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới mạng lưới đường đô thị theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển kết nối các vùng đô thị để phân bổ lưu lượng giao thông, tránh nguy cơ ùn tắc.
Song song với đó, thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng mới một số bến xe khách hiện đại tại các thành phố, thị xã có nhu cầu đi lại lớn (Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái) và huyện Bình Liêu; nâng cấp, tăng năng lực phục vụ của các bến xe hiện có. Đối với đường biển, xây dựng các bến cảng tại khu bến Cái Lân; nghiên cứu xây dựng khu bến tại hòn Con Ong, Cẩm Phả, bến cảng Vạn Ninh, Móng Cái; tập trung xây dựng các khu cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Vân Đồn, Quảng Yên; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn. Riêng về hàng không, sẽ xây dựng thêm sân bay chuyên dụng.
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, chú trọng đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh trọng yếu trên địa bàn tỉnh; xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng biển theo quy hoạch của Bộ GTVT phục vụ vận tải hàng hóa (đặc biệt hàng xuất khẩu) và vận tải du lịch; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hướng trở thành đầu mối vận chuyển hành khách và nơi trung chuyển, vận tải hàng hóa của khu vực; tiếp tục phát triển các sân bay taxi phục vụ du lịch.
Phương án phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện nhằm mục tiêu điều chỉnh kịp thời những thay đổi trong thời gian qua, cập nhật theo các quy hoạch, chiến lược của quốc gia, phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh. Đây là cơ sở để đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông hợp lý và thống nhất trong toàn tỉnh, có quy mô phù hợp với từng vùng, từng địa phương, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành GTVT.
Tăng tốc các công trình mới ngay từ đầu nhiệm kỳ
Ngày đầu tiên năm mới 2021, cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương chính thức được thông xe và đưa vào khai thác sau 14 tháng xây dựng. Việc hoàn thành công trình đồng bộ với nâng cấp, thông tuyến đường 389, cầu Mây đã rút ngắn quãng đường di chuyển từ TX Đông Triều với Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cũng như với tỉnh Hải Dương, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hà Nội.
Dự án nút giao Minh Khai nằm tại vị trí cửa ngõ TP Hạ Long, giao 2 tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn với Quốc lộ 18, được thiết kế 8 nhánh rẽ, tổng chiều dài gần 5km, rộng 11m, 2 làn xe, tốc độ tối đa 60km/h, đã đưa vào sử dụng. Công trình không chỉ giải quyết được xung đột giao thông giữa Quốc lộ 18 với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, mà còn tạo ra khu vực cảnh quan đẹp, ấn tượng, đồng bộ với tuyến đường 10 làn xe tại khu vực cửa ngõ TP Hạ Long.
Dự án cầu Cửa Lục 1, cuối tháng 12/2020, phiến dầm đầu tiên đã được lao lắp thành công, tháng 5/2021, nhịp cầu chính đầu tiên đã được hợp long, nhà thầu đang tập trung thi công hạng mục kết cấu cầu chính và đường dẫn. Tương tự, tại Dự án Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã được điều chỉnh để đảm bảo đồng bộ tuyến đường bao biển nối với đường Trần Quốc Nghiễn với 6 làn xe, quyết tâm hoàn thành trong năm 2021.
Bên cạnh đó, bám sát các kế hoạch chiến lược, gắn với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GTVT đã tham mưu với tỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối mang tính chất liên vùng, như: Đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 2, giai đoạn 3 kết nối với Vân Đồn; cầu Cửa Lục 1, 2, 3 và các cầu kết nối vùng (TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương...) như cầu Bến Rừng, cầu Triều...
Cùng với các cầu Cửa Lục 1, 3 đang thi công tích cực, cầu Cửa Lục 2 đang được tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư; khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm tuyến đường vượt sông Trới, sông Diễn Vọng ngang qua Vịnh Cửa Lục, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc TP Hạ Long, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy và cầu Bang hiện nay, đảm bảo giao thông thông suốt kể cả khi mưa bão. Các cầu còn là nhịp gắn kết giữa sản phẩm du lịch biển Vịnh Hạ Long với du lịch núi rừng của Hoành Bồ.
Tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương phối hợp với TP Hải Phòng xúc tiến đầu tư cầu Bến Rừng. Đây là công trình quan trọng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông 2 địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh.
Dự án Đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều chuẩn bị được thi công, khi hoàn thành sẽ đóng vai trò huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây, tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Đồng thời, có vai trò kết nối các khu công nghiệp lớn của khu vực, tăng tính liên kết trong tam giác Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Bộ...
Như vậy, các dự án hạ tầng giao thông mới được lựa chọn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn sẽ đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của tỉnh, tạo bứt phá mới, diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()