Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:03 (GMT +7)
Hiệu quả từ đầu tư hạ tầng giao thông ở Ba Chẽ
Thứ 5, 10/06/2021 | 06:33:44 [GMT +7] A A
Ba Chẽ là địa phương có địa hình đồi núi, địa bàn nhiều xã đường giao thông vẫn còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Được sự quan tâm của tỉnh, những năm gần đây các tuyến đường giao thông của huyện Ba Chẽ đã từng bước được cải tạo, xây mới, giúp cho người dân đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Đường tỉnh lộ 330 là tuyến giao thông huyết mạch với tổng chiều dài gần 50km. Đây là tuyến đường kết nối từ Trung tâm thị trấn huyện Ba Chẽ với 5 xã vùng cao là Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm và Lương Mông. Đồng thời, tuyến đường này cũng kết nối, thông thương giữa huyện Ba Chẽ với tỉnh Bắc Giang.
Mặc dù là tuyến đường quan trọng, nhưng do đã được đầu tư cách đây hơn 20 năm nên nhiều đoạn đã bị xuống cấp trầm trọng, mặt đường sụt lún, lầy lội, nhiều khúc cua tay áo dốc nguy hiểm. Tại các điểm ngầm tràn dọc tuyến vào những ngày mưa to nước dâng cao, thậm chí ở một số thôn khe bản tình trạng ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến việc đi lại, và phát triển kinh tế của người dân.
Điển hình đợt mưa lũ từ ngày 12-14/8/2017, nước sông Ba Chẽ dâng cao đã gây ra 19 điểm ngập lụt cục bộ dọc theo tỉnh lộ 330. Trong đó, có nhiều điểm ngập sâu đến hơn 2m. Trước những khó khăn bất cập, cử tri và chính quyền huyện Ba Chẽ đã kiến nghị đề nghị tỉnh, Trung ương quan tâm cải tạo nâng cấp tuyến đường huyết mạch của địa phương.
Để từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp của tỉnh lộ 330, năm 2018, Ban Quản lý Vốn sự nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải đã hoàn thành sửa chữa 6 điểm thấp trũng, gây ngập lụt trên tuyến. Đến tháng 8/2020, tuyến đường này tiếp tục được cải tạo các điểm xung yếu dài gần 16km. Trong đó, nâng cấp, thay thế một số ngầm tràn; thực hiện gia cố lề đường; tăng cường móng; mở rộng đường từ 3,5m lên 5,5m; sửa chữa cục bộ nền mặt đường bằng đá dăm tiêu chuẩn và láng nhựa trên cơ sở nền đường hiện có, đảm bảo cho hai làn phương tiện đi lại; bổ sung, thay thế hệ thống rãnh dọc và hạ tầng ATGT.
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, tổng thể dự án đạt 95% khối lượng, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, cho biết: Trước kia đường xa đi lại khó khăn nên việc bán gỗ keo của người dân nơi đây thường giá thấp hơn thị trường. Nay có đường đẹp nên xe tải vào tận bìa rừng thu mua keo với giá cao. Người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, trên một số ngã rẽ từ đường tỉnh lộ 330 vào khu dân cư do taluy đường cao hơn nhà dân, vì vậy, việc tiếp tục triển khai các thành lan can đường nhằm đảm bảo về an toàn giao thông cho người dân là hết sức cần thiết.
Có thể khẳng định, về cơ bản khi tuyến đường tỉnh lộ 330 được tu sửa, nâng cấp đã giúp cho người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn. Nếu như trước các điểm đập tràn mỗi khi mùa mưa về đều bị ngập chia cắt, thì nay đã được thay thế bằng cầu, cống hộp lớn, chấm dứt việc bị cô lập vào mùa mưa bão. Qua đó, đã giúp người dân huyện Ba Chẽ không chỉ thuận lợi trong sản xuất, phát triển kinh tế rừng và vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa.
Cùng với việc đầu tư tuyến đường tỉnh lộ 330, đến nay, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh Quảng Ninh, nhiều tuyến đường của huyện đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp làm mới. Nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa trung tâm huyện với các xã và thôn bản đều được bê tông hóa. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh cũng như cán bộ và nhân dân huyện Ba Chẽ bởi việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng miền núi, địa hình phức tạp cần nguồn kinh phí rất lớn.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã ngày càng được cải thiện. Đến hết năm 2019, Ba Chẽ đã hoàn thành việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Huyện cũng hoàn thành Đề án 196 trước 1 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn Ba Chẽ, tỉnh lộ 342 là tuyến giao thông trọng yếu phục vụ việc đi lại, trao đổi hàng hoá, phát triển KT-XH giữa huyện Ba Chẽ và các địa phương lân cận cũng đang trong tình trạng xuống cấp, mặt đường nhỏ hẹp. Trong thời gian tới, nếu tuyến đường này được đầu tư, sẽ giúp người dân đi lại đỡ vất vả và có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững hơn.
Ba Chẽ là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Vì thế, để tạo động lực cho địa phương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi; ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những giải pháp cấp bách, quan trọng cần phải được thực hiện.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()